(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Tân Châu là thị xã biên giới phía Bắc của tỉnh An Giang, có vai trò, vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biên giới, là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh với Vương Quốc Campuchia và các nước ASEAN.
Từ những lợi thế trên, những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã Tân Châu đã biết phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất với quyết tâm chính trị cao đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế - xã hội thị xã trong 15 năm qua, đã có những chuyển biến tích cực, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng góp phần nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của Nhân dân, xây dựng bộ mặt đô thị, bộ mặt nông thôn thị xã vùng biên Tân Châu ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Sau 15 năm thành lập thị xã, trên cơ sở tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, Tân Châu đã từng bước đưa Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy vào quá trình xây dựng và phát triển của thị xã nhà. Bằng cả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Tân Châu luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vừa làm, vừa học, vừa vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, kết hợp với tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển, từ đó kinh tế thị xã có mức tăng trưởng ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, lĩnh vực thương mại - dịch vụ năm 2023 chiếm 58% trong cơ cấu kinh tế, tăng 27% so với năm 2009. Đặc biệt, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong 15 năm qua thị xã đã đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên 68,330 triệu đồng vào năm 2023 tăng gấp 6,25 lần so với năm 2009.
Thế mạnh về kinh tế biên giới tiếp tục được phát huy, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương luôn chiếm một tỷ trọng cao so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh An Giang nói riêng và của 10 tỉnh có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia nói chung; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình hàng hoá qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương giai đoạn 2009-2023 đạt 9 tỷ 195,534 triệu USD, trong đó năm 2023 đạt 950,499 triệu USD USD tăng 88,68% so với năm 2009. Hiện nay, đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Thương mại - Công nghiệp Vĩnh Xương quy mô 21,5 ha và Dự án mở rộng Khu Thương mại và vui chơi giải trí cửa khẩu Vĩnh Xương quy mô 62 ha. Đây là một hệ thống liên hợp những công trình tạo “sức hút” để các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương.
Hệ thống mạng lưới chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích được đầu tư và đưa vào khai thác với nguồn hàng phong phú, đa dạng, đảm bảo cung ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân, góp phần nâng doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng xã hội tăng bình quân hàng năm 11,42%. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, đóng góp khá cao cho ngân sách thị xã và góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong những năm qua.
Hoạt động du lịch của thị xã có nhiều khởi sắc, hàng năm, đã thu hút hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan thông qua tuyến du lịch đường sông Mêkông qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng, sông nước, du lịch tham quan các làng nghề truyền thống… từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Lĩnh vực công nghiệp có bước tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2023 (theo giá SS 2010) đạt 3.912 tỷ 510 triệu đồng, tăng gấp 3,81 lần so với năm 2010, tăng trưởng bình quân 11%/năm. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp đã có sự chuyển biến đáng kể như mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, ngày càng nâng cao được chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Lĩnh vực Nông nghiệp được quan tâm đầu tư, đã tiến hành quy hoạch chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau màu và cây ăn trái đạt chuẩn an toàn với diện tích 1.400 ha. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm thực hiện, diện tích triển khai 65 ha (đạt 0,5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp).
Nhiều mô hình đang triển khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất làm thay đổi tư duy sản xuất, tập quán, thói quen canh tác của nông dân, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 ha đạt 182.540 triệu đồng/năm (tăng trên 100 triệu đồng so với năm 2009).
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai năm 2010, Đảng bộ, chính quyền thị xã Tân Châu đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ đó chương trình đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn thị xã, đã đạt được những kết quả phấn khởi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Đến nay thị xã có 7/9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (đạt 77,78%), trong đó 02 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Thị xã tập trung huy động tốt các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị, qua đó đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn đô thị loại III vào ngày 19/12/2019, sớm hơn 01 năm so với lộ trình của Tỉnh đề ra. Hiện nay thị xã đang từng bước đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để đảm bảo theo tiêu chuẩn đô thị loại III và định hướng tiêu chuẩn đô thị loại II. Trong giai đoạn 2009 - 2024 thị xã đã triển khai 450 dự án, trong đó đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng 412 dự án, đang thi công 9 dự án, đang thực hiện thủ tục triển khai 29 dự án. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm thay đổi diện mạo thị xã, tạo động lực cho thị xã phát triển.
Đặc biệt, công trình cầu Tân An, cầu Châu Đốc giúp kết nối giao thông liên vùng, đưa hàng hóa từ nội địa nhanh chóng ra biên giới để xuất khẩu sang các nước ASEAN; Bên cạnh đó, tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp sau khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển hạ tầng đường bộ, tạo cơ sở vững chắc và ổn định để phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, phục vụ đời sống Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cùng với hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, xây mới tương đối hoàn chỉnh, các tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa. Hạ tầng điện - nước, thông tin liên lạc cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Các công trình như: Kè chống sạt lở, nâng cấp đê, đầu tư xây dựng cụm - tuyến dân cư bố trí nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục, đào tạo ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học; toàn thị xã có 29/56 trường công nhận đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học, tốt nghiệp THCS đạt 100%, tỉ lệ học sinh trúng tuyển sinh vào lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông luôn ở tốp đầu của tỉnh; tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng 69,69%. Công tác huy động học sinh đến trường ở các cấp luôn đạt tỉ lệ cao, trên 90%.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng; chăm lo, thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công; chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc, xã biên giới... được quan tâm thực hiện, từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,9% năm 2007 xuống còn 1,07% vào năm 2023. Mạng lưới khám chữa bệnh trên địa bàn được củng cố, xây mới liên tục, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Hoạt động văn hóa thông tin - thể dục thể thao trên địa bàn thị xã ngày càng được đẩy mạnh, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên.
Trong những năm qua, thị xã đã kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mối quan hệ hữu nghị hợp tác và phát triển giữa chính quyền và Nhân dân 02 địa phương Tân Châu và quận Lekdek, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia được duy trì và phát triển, góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân hai nước qua lại mua bán và trao đổi hàng hóa.
Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị tham gia nhằm tạo sự chuyển biến toàn diện, sâu sắc, được Nhân dân đánh giá cao, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn thị xã.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn thị xã được xem là nhiệm vụ then chốt, đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Từ chủ trương, nghị quyết của trên và xuất phát từ yêu cầu thực tế của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Tân Châu đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch quan trọng, có tính đồng bộ, đột phá trong công tác xây dựng Đảng; trong đó, đáng chú nhất là Đảng bộ thị xã đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Công tác chính trị - tư tưởng được tăng cường, đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao tính chiến đấu và tính thuyết phục. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ được chú trọng, tạo nguồn kế thừa cho nhiệm kỳ mới, nhất là ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc. Công tác kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Phương thức lãnh đạo của Đảng có bước đổi mới, đảm bảo vai trò lãnh đạo của cấp ủy.
Công tác Dân vận có nhiều chuyển biến; các phong trào thi đua yêu nước được Nhân dân tích cực tham gia. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng hướng mạnh về cơ sở, là nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; các chính sách về dân tộc, tôn giáo được quan tâm... Từ đó, đã tạo dựng niềm tin và thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân.
Theo mục tiêu Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, định hướng đến năm 2030, thị xã Tân Châu là một trong những vùng động lực phát triển của Tỉnh, tập trung phát triển kinh tế biên giới, là đầu mối giao thương quốc tế của vùng tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, phát triển mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, logistics, sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển thị xã Tân Châu theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đến cuối năm 2025 thị xã Tân Châu cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III theo hướng mở rộng và trước năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo các tiêu chí đặc thù và phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2035. Từng bước xây dựng và khẳng định vai trò, vị thế thị xã là một trong ba trung tâm kinh tế lớn của tỉnh; là đầu mối giao thông của liên vùng, tác động mạnh mẽ cho kinh tế thị xã phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ - công nghiệp. Định hướng mở rộng khu vực nội thị và hình thành các phường mới: Tân An, Long An, Phú Vĩnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện, trong đó tập trung quán triệt, tuyên truyền về vị trí, vai trò của thị xã Tân Châu, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động ở các cấp, ngành, đặc biệt là trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Tân Châu đối với việc xây dựng và phát triển địa phương trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, phát triển lên đô thị loại II; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch; từng bước phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thông minh kết hợp thương mại, dịch vụ và du lịch. Phát triển đô thị du lịch trên các cồn ven sông, đô thị du lịch giáp với khu vực Châu Đốc - Tân Châu - An Phú. Xây dựng các khu đô thị mới gắn với cải tạo và chỉnh trang đô thị hiện hữu để mở rộng không gian đô thị; Dự án san lắp Kênh Vĩnh An (giai đoạn 2), hình thành các khu dân cư mới. Tiếp tục xác định thế mạnh phát triển kinh tế biên giới là động lực chính của thị xã để có chiến lược đầu tư bài bản, đột phá trong phát triển. Khai thác lợi thế cửa khẩu đường bộ và đường thủy đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch với Campuchia, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ.
Phát triển hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ, trọng tâm thực hiện dự án cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu; xây dựng tuyến Quốc lộ N1 (đoạn thị xã Tân Châu và Châu Đốc); quy hoạch xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự, đảm bảo khả năng kết nối các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh bằng tuyến N1; quy hoạch tuyến Đường tỉnh ĐT954 (mới) đi theo hướng đường kênh Thần Nông, kết nối vào đường dẫn cầu Tân An. Triển khai Dự án nâng cấp Quốc lộ 80B kết nối Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương với Vương Quốc Campuchia; nâng cấp đường tỉnh 953, đường Bờ Đông Kênh Bảy xã thành đường tỉnh 950, đường tỉnh 951 (đoạn từ bến phà Châu Giang - ĐT 953) đến giáp huyện Phú Tân. Triển khai dự án đường Lương Định Của nối dài giáp đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Tri Phương.
Cùng với đó, tiếp tục phát triển đồng bộ lĩnh vực văn hóa - xã hội và chăm lo an sinh xã hội. Trong đó, đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển; bảo đảm chính sách an sinh xã hội, biện pháp giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phấn đấu đến năm 2025 có 70% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Phát triển ngành y tế thị xã, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phòng bệnh; nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Tăng cường các biện pháp giữ vững quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc vùng biên giới. Thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; bảo đảm trang thiết bị, phương tiện đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với chính quyền và các lực lượng vũ trang quận Lekdek, Vương quốc Campuchia; giữ vững ổn định biên giới để phát triển.
Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, thực hiện tốt các quy định của Đảng về sự nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu; làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực; chuẩn bị tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2025-2030. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Dân vận. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; quy chế phát ngôn.
Có thể nói, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy và 15 năm trở thành thị xã, Tân Châu thực sự thay đổi diện mạo và nâng cao vị thế, từ một huyện vùng biên khó khăn chỉ trong thời gian ngắn đã vươn lên trở thành một thị xã năng động đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Tỉnh. Hy vọng, trong tương lai không xa, thị xã Tân Châu sẽ trở thành vùng đất đáng sống, phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, trở thành thành phố, một trung tâm kinh tế năng động phía bắc tỉnh An Giang, là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh với thị trường Vương quốc Campuchia và cả khu vực ASEAN./.
Văn Phô