(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Sản xuất lúa hữu cơ hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt giá trị sản phẩm lúa hàng hóa. Tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ giúp nông dân "nói không với hóa chất", thay đổi tập quán canh tác, hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp nông dân tạo ra sản phẩm sạch mà còn giảm chi phí sản xuất, góp phần cải tạo đất, nâng cao giá trị hạt gạo. Ưu điểm của mô hình là tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng thị trường xuất khẩu, tạo thương hiệu cho địa phương, tăng thu nhập cho nông hộ. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được xem là bước chuyển dịch tích cực trong sản xuất, được nhiều nông dân trong tỉnh An Giang áp dụng có hiệu quả, từng bước góp phần xây dựng được thương hiệu lúa, gạo sạch An Giang trên thị trường.
Đối với cánh đồng lúa 1,5ha của ông Nguyễn Hồng Nhã (Khóm Tây Thạnh, phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên) canh tác theo hướng hữu cơ do Trung tâm Khuyến Nông An Giang hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật đã phát triển tốt. Đây là vụ lúa Thu Đông sản xuất trên nền đất hữu cơ do vụ lúa Hè Thu vừa rồi (xuống giống vào tháng 3 và thu hoạch tháng 6/2024 sử dụng giống OM 5451), ông Nhã đã trồng thử nghiệm theo mô hình này và đạt kết quả rất phấn khởi.
Ông Nhã chia sẻ: “Quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tôi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông An Giang cùng đồng hành hướng dẫn cụ thể quy trình sản xuất từ lúc ngâm ủ hạt giống đến lúc thu hoạch, áp dụng nghiêm ngặt việc không sử dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ và không sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất. Điểm khác biệt so với quy trình canh tác truyền thống là: cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa từ lúc ngâm ủ hạt giống nhằm giúp hạt lúa tăng cường chống phèn, mặn và tăng cường sức đề kháng; phối trộn giữa phân bón vô cơ và hữu cơ cho các lần bón phân nhằm làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón và hạn chế đổ ngã; phun phân hữu cơ qua lá giai đoạn trước trỗ, sau trỗ và lúc lúa cong trái me giúp lúa vào gạo tốt hơn và ứng dụng vi sinh vật nội sinh trong quản lý tuyến trùng và bệnh hại trên cây lúa...”. Ông Nhã còn cho biết thêm: “Canh tác lúa theo hướng hữu cơ có lợi là ngay từ lúc đầu đã bón phân hữu cơ, cây lúa phát triển ngay từ đầu. Tính từ đầu vụ đến cuối vụ giảm hơn 30% lượng phân bón, thuốc hóa học so với canh tác truyền thống, hạn chế được sâu bệnh. Từ đó, chi phí cho mùa vụ giảm, năng suất tăng, lợi nhuận cao hơn”.
Việc áp dụng mô hình trồng lúa hữu cơ giảm 50-60 % lượng giống gieo sạ, sử dụng phân hữu cơ giảm lượng phân bón hoá học, sử dụng thuốc BVTV sinh học nên ít gây ô nhiễm, cây lúa rất khỏe, ít bị sâu bệnh đổ ngã, giá cả cao hơn so với trồng lúa thường. Đồng thời tăng năng suất lúa, lợi nhuận bình quân tăng hơn 20% so với sản xuất đại trà tại địa phương.
Bà Lê Thị Thu, Khuyến nông viên, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên hướng dẫn: “Ngay từ vụ trước, bà con phải giữ rơm rạ lại trên ruộng lúa, sử dụng chế phẩm phân hủy rơm rạ là R1 hoặc R3. Khâu chọn giống thì bà con được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ giống TB39, sạ 8kg/1000m2. Sau khi sạ được 30 ngày, cũng tiến hành cấy dặm giống như quy trình truyền thống. Điểm lưu ý là trước khi sạ có sử dụng phân chuồng bón cho đất”.
Theo một số nông dân tham gia hình sản xuất lúa hữu cơ chia sẻ: “Sử dụng phân hữu cơ có ưu điểm là dễ sử dụng, giảm phân vô cơ và thuốc hóa học, vừa cải tạo đất hạ được phèn, cây lúa ra rễ nhiều, cây to, hạn chế được sâu bệnh, giảm được chi phí sản xuất lúa, lợi nhuận cao hơn canh tác lúa truyền thống...”.
“Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác cùng với sự siêng năng chăm sóc nên năng suất lúa vụ này của gia đình tôi đạt cao hơn vụ trước khoảng 1 tấn/ha (vụ Hè Thu đạt 6 tấn/ha). Do bên mô hình giảm lượng giống gieo sạ, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón nên chi phí của mô hình thử nghiệm thấp hơn ruộng đối chứng là 2.736.000đồng, nhưng năng suất bên mô hình cao hơn đối chứng 0,1 tấn. Từ hiệu quả thực tế, vụ Thu Đông năm nay, tôi tiếp tục thực hiện theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ, nhưng khác với mùa vụ trước là gieo sạ giống lúa TB39 và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông An Giang cùng đồng hành hướng dẫn cụ thể quy trình sản xuất.” - Ông Nhã phấn khởi cho biết.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Trong xu thế hiện nay, mô hình này không chỉ tạo ra sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng mà về lâu dài còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo đất và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm chi phí đầu tư trong sản xuất.
Để nông dân trên địa bàn yên tâm sản xuất, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên Đặng Hoàng Vinh cho biết: “ Trong thời gian tới, thực hiện đề án nông nghiệp đa mục tiêu trên địa bàn TP. Long Xuyên, thì phường Mỹ Thới có 4 tiểu vùng quy hoạch đất trồng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ với diện tích là 705 ha. Để mở rộng vùng lúa sản xuất hữu cơ, về phía địa phương sẽ liên kết với các Công ty, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo đầu ra ổn định cho người dân, để họ yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần cho sự bền vững nền nông nghiệp địa phương”.
Canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ đang từng bước khẳng định được hiệu quả. Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi dần nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản...là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, hướng tới sản xuất bền vững, tạo ra sản phẩm lúa gạo có chất lượng cao./.
Thanh Thanh