Niềm vui ở nơi Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Một niềm tự hào to lớn đã lan tỏa trong đất nước Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng, khi tối 04/12/2024 (theo giờ Hà Nội), tại kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (diễn ra tại Cộng hòa Paraguay), UNESCO ghi danh di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến ngày 27/4 âm lịch, bao gồm nhiều nghi thức tâm linh, diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở tỉnh An Giang. Lễ hội tôn vinh Nữ thần bảo trợ, ban tài, lộc, sức khỏe, bình an cho người dân địa phương, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống đạo đức "uống nước nhớ nguồn", nhắc nhở công lao dựng nước, giữ nước của cha ông; đề cao vai trò của người phụ nữ, thể hiện sự giao thoa trong sáng tạo, thực hành văn hóa và sự hòa hợp của các dân tộc cùng chung đức tin trong cùng một phạm vi lãnh thổ.

Những năm qua, Công ty TNHH Sự kiện và Dịch vụ Du lịch Sắc Việt (thành phố Châu Đốc) thường xuyên tổ chức hoạt động, sự kiện vào dịp Vía Bà. Đặc biệt, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Mùa hẹn tháng tư” được thực hiện thường xuyên, liên tục, gồm: Hát múa bóng rỗi dâng Bà, biểu diễn tuồng, hát bội, tặng chữ thư pháp, chương trình nghệ thuật mang màu sắc văn hóa địa phương. Tất cả đều hướng đến nội dung tạ ơn Mẹ Xứ Sở, danh nhân, danh thần; ca ngợi, thể hiện niềm tự hào của người con vùng đất Châu Đốc nói riêng, Việt Nam nói chung…  

Chương trình được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, ca sĩ, nghệ sĩ, ê-kíp chương trình trong và ngoài tỉnh mong muốn được cống hiến, đóng góp một chút công sức của mình vào lễ hội, hoàn toàn không nhận cát-xê. Ai cũng tâm niệm được đóng góp cho Bà là điều vinh dự và may mắn cho bản thân! Những hoạt động, sự kiện của Sắc Việt nói riêng, các đơn vị nghệ thuật nói chung thường được chuẩn bị thật chỉn chu, ý nghĩa, mang đậm dấu ăn văn hóa bản địa, nhằm dâng lên Bà những điều thành kính nhất; mang đến món ăn tinh thần cho bà con, du khách gần xa khi đến với Châu Đốc trong mùa lễ hội. 

Anh Nguyễn Duy Tân (Giám đốc Công ty Sắc Việt, hội viên Phân hội Sân khấu An Giang) chia sẻ: “Là người con của vùng đất Châu Đốc, tôi cảm thấy rất tự hào khi hay tin Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, tôi may mắn, vinh dự khi được đồng hành cùng đoàn khảo sát, nghiên cứu, đơn vị lập hồ sơ (Trường Đại học Văn Hóa TP. Hồ Chí Minh) thực hiện công tác điều tra, phỏng vấn thực tế, đóng góp một phần rất nhỏ trong hành trình lớn. Tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của quê hương, đặc biệt là các hoạt động của Lễ hội Vía Bà, để giá trị di sản của Lễ hội luôn được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ kế thừa, trường tồn và phát triển cùng đất nước”. 

Đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vào đúng ngày UNESCO ghi danh di sản, bà Nguyễn Thị Mây (ngụ tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ: “Hầu như năm nào gia đình tôi cũng đều về tham dự Vía Bà. Trước là trả lễ những gì đã đạt được trong năm, sau là muốn giữ thông lệ về cúng viếng Bà. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, không thể đi Vía Bà được, chúng tôi rất buồn, khấn nguyện từ xa. Chúng tôi chỉ kinh doanh mua bán, chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc ghi danh Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, nhưng phần nào cảm thấy tự hào vì miền Tây được điểm đến rất nổi tiếng như thế”.

Trải qua nhiều năm chứng kiến sự thay đổi của khu vực tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, ông Trần Văn Đạt (ngụ phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên) bày tỏ: “Điều dễ nhận thấy nhất là cảnh chèo kéo khách, lừa gạt mua chim phóng sinh, nhang đèn, tội phạm móc túi, tệ nạn xã hội… đã giảm đáng kể, gần như không còn nữa. Du khách đã yên tâm hơn hẳn khi đến Miếu Bà, vui vẻ lui tới các điểm du lịch, tâm linh khác trong Khu Du lịch núi Sam. Tuy nhiên, để xứng tầm Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, tôi nghĩ chính quyền địa phương, ngành chức năng cần chú trọng xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp, thông thoáng hơn nữa, đáp ứng lưu lượng khách thập phương đến tham quan, chiêm bái trong cao điểm lễ hội. Chương trình lễ hội vừa giữ gìn bản sắc truyền thống, vừa đan xen với hiện đại, thu hút nhiều tầng lớp Nhân dân đến tham quan, thưởng thức”.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam luôn là “điểm hẹn phải đến” của đông đảo người làm báo trong và ngoài tỉnh, nhiếp ảnh gia chuyên lẫn không chuyên từ mọi miền đất nước tụ hội về. Hòa cùng dòng người đông đúc, chúng tôi cảm nhận sâu sắc sợi dây gắn kết chặt chẽ tất cả lại với nhau. Đó là tín ngưỡng cao nhất của người dân đến “vị nữ thần” tượng trưng cho quê hương, đất nước; là niềm tin mãnh liệt vào sức sống trường tồn của vùng đất tâm linh, vào sức mạnh của dân tộc. Dòng người hồ hởi đi từ chân núi lên đỉnh núi Sam từ trưa, đến chiều tối cờ trống rợp trời phục hiện quang cảnh rước tượng Bà xuống chân núi. Đường xa hóa gần, nỗi mệt mỏi hóa thành niềm vui trong tâm khảm. Mỗi bước chân là một nhịp vui, nụ cười luôn nở trên môi, lấn át giọt mồ hôi, giọt mưa rả rích đặc trưng mùa Vía Bà.

Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Từ đó, nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung về cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Chắc chắn rằng, mùa Vía Bà vài tháng sắp tới sẽ thật sự là điểm nhấn đầy tự hào, quy tụ đông đảo người dân mọi miền Tổ quốc tìm về trải nghiệm./.

Gia Khánh