(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Bên cạnh việc phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô, các hồ nước ở Bảy Núi còn tạo nên bức tranh “sơn thủy” tuyệt đẹp giữa núi rừng, thu hút rất đông du khách, nhất là các bạn trẻ đến đây khám phá, “check-in” và lưu lại những bức ảnh ấn tượng.
Do điều kiện tự nhiên và đặc điểm khí hậu nên vùng Bảy Núi đến mùa khô thường xuyên thiếu nước. Vì vậy, những giếng khoan, các hồ lớn, như: Soài So, Soài Chek, Tà Pạ, Ô Thum, Ô Tà Sóc (huyện Tri Tôn), Ô Tức Sa, Thủy Liêm, Thanh Long (TX. Tịnh Biên)… được xây dựng với dung tích dự trữ được hàng trăm ngàn mét khối nước vào mùa mưa với mục đích chính là phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân vùng núi và công tác phòng, chống cháy rừng lúc khô hạn. Những người dân sinh sống và trồng trọt quanh các hồ chứa nước cho biết, trước đây họ chỉ làm ruộng, lúa mỗi năm được 1 vụ vào mùa mưa. Từ khi các hồ chứa nước đi vào hoạt động, mọi người bơm nước trong hồ để tưới ruộng lúa, khoai, đậu… vào mùa khô, nên mỗi năm có thể làm 2-3 vụ, từ đó tăng thêm thu nhập.
Mới đây nhất, hồ Tà Lọt (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên) có dung tích thiết kế đạt 531.172m3, chiều dài đập là 1.016m, diện tích tưới 340 ha và hồ Núi Dài 2 (xã Lê Trì, huyện Tri Tôn) có dung tích thiết kế đạt 558.473m3, chiều dài đập là 1.028m, diện tích tưới 180 ha đã được đưa vào sử dụng. Đây là 2 hồ thuộc “Dự án xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi tỉnh An Giang” nhằm tăng cường khả năng tích trữ và điều tiết nước, chủ động tưới tiêu, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô, cắt lũ núi trong mùa mưa. Đồng thời, thực hiện dự án đa mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu, vận hành có hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, hạn chế ảnh hưởng, tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Ngoài phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phòng, chống cháy rừng vào mùa khô, đa số các hồ nước này được xây dựng nằm dưới chân núi nên đã vô tình tạo thành cảnh “sơn thủy” tĩnh lặng giữa núi rừng. Dần dần thu hút đông đảo khách du lịch và những bạn trẻ yêu thích thiên nhiên đến tham quan, khám phá, chụp ảnh. Nằm dưới chân Phụng Hoàng Sơn, hồ Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) được xây dựng vào những năm 1990, sớm nhất ở vùng Bảy Núi.
Những người lớn tuổi kể rằng, hồ Soài So được xây dựng và tích trữ từ nguồn nước của suối Vàng trên đỉnh núi cao khoảng 614m. Nơi đây, nước chảy quanh năm, lưu lượng vô cùng dồi dào, nhất là vào mùa mưa. Nước hồ Soài So trong veo, mặt hồ phẳng lặng, gợn sóng lăn tăn. Cách đó không xa, hồ Soài Chek nằm dưới thung lũng đồi Tà Pạ và Phụng Hoàng Sơn không kém phần đặc biệt. Xung quanh hồ là cánh đồng lúa xanh mát, có con đường láng nhựa thẳng tắp chạy dọc theo bờ đến tận cùng là dãy Phụng Hoàng Sơn. Do nằm sâu dưới triền núi, khá vắng vẻ, nên ít người đến. Điều đó vô tình tạo không gian lý tưởng cho những ai yêu thích sự yên tĩnh của núi rừng.
Đặc biệt hơn hết có lẽ là hồ Thủy Liêm, nằm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn hay núi Cấm (xã An Hảo, TX. Tịnh Biên), đây được xem là hồ trữ nước nằm ở địa điểm cao nhất trong tất cả các hồ ở vùng Bảy Núi. Ở độ cao khoảng 600m, hồ Thủy Liêm được khởi công xây dựng năm 2005 từ đường ô nhỏ xuất phát từ suối Thanh Long trên đỉnh núi chảy xuống động Thủy Liêm. Hồ nằm ngay trước tượng Phật Di Lặc, 2 bên là chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh hùng vĩ. Lúc nào cũng có bóng mây trôi lơ lửng soi bóng xuống mặt hồ, tạo nên bức tranh huyền ảo đối với du khách phương xa.
Nhắc đến những hồ nước tuyệt đẹp ở Bảy Núi không thể bỏ qua hồ Tà Pạ, nằm trên đồi Tà Pạ (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). Hồ do quá trình khai thác đá tạo ra, được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc” ở miền Tây bởi cảnh thiên nhiên hoang sơ, đậm chất núi rừng nhưng cũng không kém phần… lãng mạn. Hồ Tà Pạ khiến ai nấy đều mê mệt với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của những vách đá quanh hồ soi bóng xuống mặt nước, mặt hồ yên ả, xanh trong, làm mê say lòng người đến lạ. Nước trong xanh, màu nước cũng hay biến đổi tùy theo đá ở dưới và sắc mây trời bên trên. Hồ có khi màu xanh thẫm, có khi xanh nhạt, có khi màu vàng… làm các bạn trẻ thích thú. “Các hồ nước ở Bảy Núi thật là đẹp. Hồ nằm ngay dưới chân núi không chỉ tạo nên khung cảnh thơ mộng, hữu tình mà còn giúp những ai đến đây đều có cảm giác thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên…” – chị Lâm Thị Thu An (tỉnh Bình Dương) chia sẻ.
Các hồ nước đang trở thành nét chấm phá, điểm tô thêm khung cảnh xinh tươi, bình yên của đất trời và ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng cùng những trải nghiệm đầy thú vị./.
Đăng Phương