Nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Chiều 17/4, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thanh niên.

Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Văn Tặng và Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Võ Thành Lợi đồng chủ trì Hội nghị; đại diện các sở ngành, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn của Mặt trận, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố cùng tham dự.

Tại Hội nghị, các đại biểu đều cơ bản thống nhất dự thảo luật và có một số ý kiến cụ thể như: Tại Điều 1 của dự thảo đã bổ sung làm rõ MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các giai cấp, tầng lớp xã hội, của toàn thể nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đây là một nội dung rất quan trọng để khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam; Tại khoản 2, Điều 3 bổ sung “động viên Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển đất nước; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” và khoản  8 bổ sung nhiệm vụ hướng dẫn “Nghiên cứu chiến lược, đề xuất chủ trương, chính sách nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” để nhằm thực hiện tốt chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2024 – 2029. Tuy nhiên khi Luật được ban hành, đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sớm ban hành các Thông tri hướng dẫn thực hiện 02 nội dung này và chủ thể thực hiện chính các nội dung này là Mặt trận cơ sở.

Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 6 quy định: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và sửa đổi, bổ sung quy định MTTQ Việt Nam ở cấp cơ sở gồm “cấp xã, phường và đặc khu tại hải đảo; đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”. Đây là quy định phù hợp với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả nhưng khi đi vào thực tiễn cần sớm ban hành quy chế làm việc nhằm giúp cơ sở hoạt động hiệu quả hơn; Tại khoản 2 và 3 Điều 36: Thống nhất với việc bổ sung “Cử người có trách nhiệm tham dự hội nghị phản biện xã hội hoặc tham gia đối thoại khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu để trình bày về nội dung dự thảo văn bản, giải trình, tiếp thu các ý kiến phản biện tại Hội nghị”. Đây là nội dung phù hợp thực tiễn hiện nay khi MTTQ tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến hoặc phản biện dự thảo văn bản. Đồng thời, tại khoản 3 “Nghiên cứu tiếp thu và trả lời bằng văn bản đối với việc tiếp thu ý kiến và kiến nghị phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, trường hợp không tiếp thu thì phải giải trình”. Việc này thể hiện nhằm tăng cường vị trí, vai trò của Mặt trận các cấp trong công tác phản biện theo quy định của Bộ Chính trị;… ngoài ra, đại biểu đều thống nhất đối với những nội dung sửa đổi của Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam./.

Thanh Phong