(Chinhphu.vn) – Việc ký kết, thực thi các FTA đã đem lại nhiều tác động tích cực trong việc mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cho Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận diện rõ những hạn chế cố hữu đã và đang làm cho không ít cơ hội từ FTA chưa được tận dụng hết, thậm chí bị “đánh rơi”.
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP mới khoảng 5%, trong EVFTA 26% và UKVFTA chưa đến 24%
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian tới là phải nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội; tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác, “những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có”.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy: Xét riêng EVFTA, sau 3 năm thực hiện, doanh nghiệp nội địa chỉ tận dụng được 26% ưu đãi của hiệp định. Trong khi đó, mức độ tận dụng ưu đãi của hiệp định này từ các doanh nghiệp FDI lớn hơn đáng kể.
Năm 2023, FDI thực hiện ở Việt Nam đạt trên 23 tỷ USD và đây là con số kỷ lục trong 36 năm thu hút FDI. Hầu hết lượng FDI này đổ vào khu vực xuất khẩu để tận dụng cơ hội FTA. Trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thuộc về doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp nội địa chỉ ở con số tỷ trọng xuất khẩu chưa đến 30% tổng kim ngạch này.
Việc tận dụng cơ hội từ các FTA của các doanh nghiệp nội địa chủ yếu tập trung vào các mặt hàng truyền thống, dựa trên lợi thế chi phí lao động thấp như: dệt may, hàng công nghiệp lắp ráp và tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như nông sản, đồ gỗ. Hơn nữa, các mặt hàng này vẫn chưa khai thác hết khả năng nâng cao giá trị gia tăng bằng các kỹ thuật phát triển chuỗi cung ứng và marketing chuyên nghiệp.
Theo Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), các lĩnh vực gắn với phát triển quan hệ đầu tư quốc tế giai đoạn mới chỉ đạt được mức vừa phải, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của nền kinh tế, chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp là các công ty xuyên quốc gia thực hiện.
“Việt Nam được dự báo lạc quan là cứ điểm sản xuất sản phẩm điện tử toàn thế giới sau khi hàng loạt FTA có hiệu lực. Tuy nhiên, vai trò này ít có khả năng do doanh nghiệp nội địa đảm nhiệm trong ngắn hạn. Các FTA chưa được tận dụng để tạo động lực đủ lớn để hình thánh làn sóng đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn còn khá lớn”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, Chuyên gia tài chính- ngân hàng, Tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ cho biết, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA mới đây nêu rõ, xuất khẩu sang các thị trường FTA lớn như EU, CPTPP, Vương quốc Anh dù tăng trưởng tích cực, nhưng tỷ trọng còn tương đối khiêm tốn, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng.
“Tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP mới khoảng 5%, trong EVFTA 26% và UKVFTA chưa đến 24%. Các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp chỉ mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ được các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa Việt Nam còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu làm các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng và làm những sản phẩm đặc thù chế biến còn ít, do đó giá trị gia tăng thu được không cao”, TS. Doãn Hữu Tuệ nói.
Những yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình canh tác và chiếu xạ sản phẩm đã không được chú ý tới khiến những trái vải này không thể xuất được sang thị trường Nhật Bản
Nhiều doanh nghiệp còn lạ lẫm về FTA
Khảo sát của VCCI năm 2016, 2020 và 2022 về mức độ quan tâm và chủ động tìm hiểu các cam kết FTA của doanh nghiệp cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp “không biết” về các FTA có xu hướng tăng theo thời gian; tỷ lệ doanh nghiệp “có nghe nói” về các FTA là 62,1% năm 2020 và 55,8% năm 2022.
Tỷ lệ các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ hoặc rất rõ về các cam kết FTA có liên quan tới mình đã tăng từ mức 12,4% năm 2016 lên mức 26,1% năm 2022.
Đáng chú ý, theo khảo sát, có tới 93,9% doanh nghiệp “từng nghe nói” hoặc “biết ở các mức độ khác” nhau về EVFTA. Đây là hiệp định được doanh nghiệp biết đến nhiều nhất trong số 16 FTA đang thực hiện. Không những thế, ở mức độ sâu hơn, cứ 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp “biết khá rõ” và 1 doanh nghiệp “biết rất rõ” về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cũng nêu ra một ví dụ về việc thiếu thông tin thị trường đã gây ra nhiều thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp Việt.
“Sau khi quả vải của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Nhật Bản, nhiều hộ nông dân đã đua nhau chuyển sang canh tác vải chất lượng cao để xuất vào Nhật Bản với hi vọng có được lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với thị trường truyền thống là Trung Quốc. Tuy nhiên, những yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình canh tác và chiếu xạ sản phẩm đã không được chú ý tới khiến những trái vải này không thể xuất được sang thị trường Nhật Bản.
Thêm vào đó, người nông dân không biết rằng nhu cầu tiêu thụ quả vải của người tiêu dùng Nhật Bản không cao. Truyền thống của người Nhật chỉ sử dụng quả vải trong các bàn ăn đồ Hoa như là thực phẩm tráng miệng, họ không có thói quen tiêu thụ vải như một loại hoa quả ăn thường xuyên.
Trái lại, Nhật Bản có nhu cầu đối với quả vải khô và nhãn khô của Việt Nam. Thế nhưng, những thông tin này doanh nghiệp trong nước lại không nắm được và không đầu tư vào dây chuyền sấy khô để tăng mùi vị sản phẩm, kéo dài thời gian bảo quản và đáp ứng chính xác nhu cầu tiêu dùng của người Nhật”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay.
TS. Doãn Hữu Tuệ cũng chỉ ra một khó khăn nữa khiến doanh nghiệp nội ‘lép vế’, đó là sự thờ ơ của lãnh đạo các cấp ở nhiều địa phương. Một số địa phương còn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa đẩy mạnh sang các thị trường mới có FTA trong CPTPP, EVFTA. Các địa phương cũng chưa xác định rõ mặt hàng chiến lược để có cơ chế tập trung hỗ trợ, chưa xây dựng bộ chỉ số FTA Index của địa phương để thay đổi tư duy, cách làm trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tận dụng FTA. Ngoài ra, nhiều nơi còn chậm đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA.
“Cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp và cần tạo được cơ chế kết nối giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa cơ quan nhà nước với hiệp hội doanh nghiệp”, ông Tuệ nói..
Thị trường Nhật Bản có nhu cầu mua vải khô và nhãn khô của Việt Nam
Rào cản quy tắc xuất xứ
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin: Tỷ trọng thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại các thị trường FTA trong 3 – 4 năm vừa qua vẫn không tăng, thậm chí chiếm tỷ lệ thấp. Như tại EU, hàng dệt may Việt Nam chỉ chiếm 4%; tại Vương quốc Anh là 2%, Canada khoảng 13% và Mexico khoảng 14%.
Nguyên nhân do tỷ trọng làm thô của doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn quá lớn; trong đó, cắt may gia công (CMT) chiếm đến 65%, sản xuất gia công cho các thương hiệu (OEM) khoảng 30%, tham gia sản xuất – thiết kế sản phẩm (ODM) chỉ khoảng 5%. Bên cạnh đó, muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với CPTPP, từ vải trở đi với EVFTA…
Đối với EVFTA, yêu cầu về nguyên liệu sản phẩm rất khắt khe, dù các doanh nghiệp có sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu ngoại khối từ các thị trường được EVFTA chấp nhận như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… nhưng đây lại là bài toán “cân não” với doanh nghiệp vì chi phí cao.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, các FTA đều nhấn mạnh đến quy tắc xuất xứ nếu không phải từ vải thì từ sợi, họ không đặt ra quy tắc xuất xứ giản đơn như trước đây là cắt may. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Cơ hội là có quy tắc xuất xứ sẽ khuyến khích đầu tư nguyên liệu hay công nghiệp phụ trợ, tạo được sức hút cho các nhà đầu tư đi vào khu vực này. Tuy nhiên, chi phí đầu tư nguyên liệu thì lớn, quản trị nguyên liệu khó khăn, yêu cầu kỹ thuật quản lý đòi hỏi cao hơn so với công đoạn khác của ngành dệt may nên đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may nói chung.
Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU chỉ khoảng 25,9% được cấp ưu đãi C/O
Khó khăn rào cản phi thuế quan
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định: Khi tham gia vào các FTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan (mức cao nhất lên đến 99% số dòng thuế).
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó thì hàng Việt Nam sẽ phải đối diện với xu hướng bảo hộ, việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, bảo vệ môi trường ngày càng cao. Các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại thị trường các nước tham gia FTA với Việt Nam sẽ có xu hướng gia tăng.
Chia sẻ về khó khăn rào cản phi thuế quan, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, mặc dù có những khởi sắc rất lớn trong xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc nhưng chúng ta cũng đang đối diện với nhiều yêu cầu khắt khe về kiểm dịch động, thực vật, hàng rào kỹ thuật với tiêu chuẩn chất lượng rất chặt chẽ của nước bạn.
Một dẫn chứng về mặt hàng gạo, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA, Việt Nam đang đề xuất điều chỉnh danh mục gạo thơm để xuất khẩu vào EU với mức thuế 0% theo hạn ngạch. Theo nhận định từ các cơ quan chuyên môn, xuất khẩu gạo vào EU còn nhiều dư địa bởi mức tiêu thụ hàng năm bình quân đầu người ở EU khoảng 6kg, hàng năm tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU đạt khoảng 3 – 4 triệu tấn (theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu – Eurostat), trong khi lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Tuy nhiên, để đưa được gạo Việt Nam sang EU thì sản phẩm phải đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, tiêu chuẩn xã hội… Gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng… Ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là dưới 0,01mg/kg và các nhà nhập khẩu và nhà quản lý EU sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm…
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu gạo vào thị trường EU thành công với giá cao, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, thị trường EU là thị trường đặc biệt cao cấp, có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU mới đạt được các hợp đồng bán gạo có giá trị cao và trong thời gian dài.
Ngoài những lực cản đã nêu, doanh nghiệp còn phải đối diện với những khó khăn khách quan trong việc tận dụng lợi thế từ FTA.
Một khảo sát của VCCI cho thấy doanh nghiệp lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường (46,8% doanh nghiệp), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%) và mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể, bất cập trong công tác tổ chức thực thi các FTA của các cơ quan nhà nước vẫn là lực cản với khoảng 28,2% doanh nghiệp.
Cơ hội và thách thức luôn song hành. “Biết mình, biết người” để làm sao tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, “biến nguy thành cơ” là bài toán khó với doanh nghiệp. Chúng ta cần nhận thức rõ thời cơ và thách thức, có những giải pháp hữu hiệu cho bài toán này để FTA thực sự mang lại những “trái ngọt”.
Nhóm PV
Nguồn: baochinhphu.vn
DT-st