(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Thất Sơn - Bảy Núi là vùng đồi núi thuộc thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nếu ngày trước nơi đây là chốn xa xôi cách trở, thì hiện nay đã trở thành điểm đến nổi tiếng, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. An Giang đang nỗ lực xây dựng, khai thác hiệu quả các tiềm năng của vùng Bảy Núi, hướng đến phát triển du lịch bền vững tại đây.
Thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn nói riêng, tỉnh An Giang nói chung được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống đồi núi, hang động, ao hồ, rừng tự nhiên… rất đa dạng. Điều đó đã tạo nên cảnh quan riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo mà không lẫn với bất kỳ nơi nào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, nhiều ngọn núi được đông đảo du khách cả nước biết đến như núi Cấm, núi Tô, núi Dài, núi Tượng…
Khu du lịch Núi Cấm có thể được xem là tâm điểm của du lịch vùng Bảy Núi. Vài năm gần đây, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm đã phát triển nhiều loại hình du lịch mới mẻ như du lịch theo mùa trái cây, khám phá hang động, đi bộ đường dài (trekking), chạy bộ địa hình (trail)… thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách cả nước.
Đánh giá về tình hình phát triển du lịch tại núi Cấm hiện nay, ông Đinh Văn Chắc - Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm cho biết: “Những năm qua, lượng khách đến tham quan ở núi Cấm tăng trưởng tích cực. Trong đó, cơ cấu chuyển dịch từ khách hành hương sang khách du lịch. Họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Đồng thời, khách lưu trú lại núi Cấm cũng gia tăng, thay vì chỉ tham quan rồi đi về như trước đây. Đây là điều mà ít khu du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm được.”
Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cho biết: “Phát triển du lịch ở núi Cấm không chỉ đơn thuần là làm dịch vụ, thu hút du khách tìm đến; mà song song đó cần thay đổi nhận thức của người dân trên núi, giúp họ thấy hiệu quả kinh tế từ hoạt động này, truyền cảm hứng cho họ tham gia. Từ đó, hoạt động du lịch sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống của người dân, phát triển địa phương một cách bền vững.”
Có thể nói, Khu du lịch Núi Cấm như “đòn bẩy” để thúc đẩy du lịch vùng Bảy Núi phát triển. Thực tế đã chứng minh, thời gian qua làn sóng “khởi nghiệp” từ du lịch đã lan lan rộng khắp vùng. Tại Tri Tôn, huyện đã khai thác các loại hình thể thao như mô tô địa hình, dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu… để thu hút du khách nhân các lễ hội. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư xây dựng Khu thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek với diện tích rộng lớn, đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện đông người ngoài trời.
Đồng hành với chính quyền, người dân Tri Tôn cũng chủ động đầu tư xây dựng nhiều cơ sở ẩm thực, lưu trú, điểm tham quan… Trong đó, có thể kể đến một số cơ sở được chú ý trong vài năm qua như An Suối Garden (xã Núi Tô), Bảy Núi Farm (xã Lương Phi), Garden Camp Ô Tà Sóc (xã Lương Phi), Ganesha Ô Thum (xã Ô Lâm)… Phần lớn các cơ sở này tập trung xung quanh các hồ nước dưới chân núi như hồ Soài Chek, hồ Ô Tà Sóc, hồ Ô Thum… tạo nên cảnh quan sơn thủy giao hòa vô cùng ấn tượng.
Đơn cử như anh Chau Sóc Nương ở huyện Tri Tôn là một trong những bạn trẻ Khmer điển hình cho xu hướng “rủ nhau” làm du lịch của người dân Bảy Núi. Năm 2023, anh mở quán ăn Tà Pạ Cốc, chuyên phục vụ các món ăn đặc trưng của người Khmer mà trong đó hút khách nhất là món gà đốt. Không thưởng thức ẩm thực, du khách đến đây còn có thể trải nghiệm văn hóa Khmer thông qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng. Điều đó đã góp thêm một nét mới cho du lịch ẩm thực trong bức tranh toàn cảnh của du lịch vùng Bảy Núi.
Có thể thấy, với sự chung tay của chính quyền và người dân, nhiều tiềm năng của vùng Bảy Núi được khai thác hiệu quả, diện mạo du lịch có nhiều thay đổi tích cực trong những năm gần đây. Những thay đổi đó nhận được sự thích thú và ủng hộ của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Điều dễ nhận thấy rõ nét là số lượng du khách đến với vùng Bảy Núi tăng trưởng liên tục qua các năm, chi tiêu của du khách cũng gia tăng khi tham gia trải nghiệm các mô hình du lịch mới, một số hoạt động kinh tế đêm dần hình thành… Sự phát triển của du lịch không chỉ góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con ven biên giới, mà còn từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vùng Thất Sơn - Bảy Núi, nơi “đất linh thiêng, người thân thiện”./.
Yên Lương