(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Cộng hòa Paraguay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội văn hóa đặc sắc
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là một lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ diễn ra từ ngày 22 - 27/4 (âm lịch) hàng năm, tại phường Núi Sam (thành phố Châu Đốc). Trong tín ngưỡng của người Kinh, Bà Chúa Xứ nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác. Theo truyền thuyết, Bà Chúa Xứ là người được Ngọc Hoàng sai xuống cứu dân độ thế, canh giữ bờ cõi. Bà cũng là một trong 6 nữ thần bất tử theo tín ngưỡng dân gian (Bà Chúa Bầu, Bà Chúa Liễu, Bà Chúa Tó, Bà Chúa Kho, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ).
Lễ hội thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện tâm thức “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân, tôn kính đối với bà. Theo thời gian, đi viếng bà không chỉ có người dân thành phố Châu Đốc, vùng Tây Nam Bộ, mà người dân khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh phần lễ, địa phương còn tổ chức phần hội và các hoạt động văn hóa - thể thao, trò chơi, diễn xướng dân gian nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách.
Các nghi lễ, phong tục và kỹ năng thực hành nghi lễ trong Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được trao truyền trong gia đình và cộng đồng thông qua truyền miệng, thực hành trực tiếp và tham gia vào lễ hội. Lễ hội góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng và hòa hợp dân tộc, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xã hội và những đóng góp của cha ông trong xây dựng đất nước. “Thông qua các hoạt động “thực hành”, lễ hội đã “trao truyền” đến thế hệ hôm nay hiểu biết thêm về phong tục tập quán, đạo đức, giao tiếp xã hội từ những câu chuyện của quá trình khẩn hoang, mở cõi, bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của tiền nhân... Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, yêu quê hương, trân trọng giá trị nguồn cội...” - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.
Vinh dự, tự hào
Năm 2014, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được vinh danh là “Hoạt động văn hóa tiêu biểu Châu Á - Thái Bình Dương”. Ngày 4/12/2024, di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một trong 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp và là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Như vậy, tại vùng đất Nam Bộ, ngoài Đờn ca tài tử là di sản được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (năm 2013), thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là di sản thứ 2 và là lễ hội truyền thống đầu tiên của vùng đất phương Nam được đón nhận vinh dự này.
Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Từ đó, nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung về cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Đồng thời, góp phần chia sẻ hình thức thực hành lễ hội, khẳng định vai trò của các nghi lễ mang tính chất dung hợp văn hóa các cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa. Lễ hội được UNESCO ghi danh sẽ thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ nữ thần ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, đề cao những sáng tạo văn hóa tâm linh của các dân tộc và góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc.
“Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam An Giang được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã khẳng định tính toàn vẹn, xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản độc đáo này. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang. Qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến người dân, du khách trong và ngoài nước giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc về vùng đất, con người An Giang. Đây còn là sản phẩm thiết thực hướng đến chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XII (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đồng thời, là niềm tự hào của Nhân dân cả nước, bởi di sản được vinh danh càng góp phần khẳng định sự đa dạng, giàu giá trị của văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh phát triển, hội nhập” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang bày tỏ.
Bí thư Thành ủy thành phố Châu Đốc Lâm Quang Thi cho biết: “Châu Đốc vinh dự, tự hào khi UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam; đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Châu Đốc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng tôi sẽ chung sức, đồng lòng thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm phong phú hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Qua đó, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội bền vững”.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là lễ hội dân gian truyền thống độc đáo của An Giang nói chung và thành phố Châu Đốc nói riêng. Lễ hội giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân An Giang, chứa đựng những giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng trong dòng chảy văn hóa Nam Bộ. Thời gian tới, An Giang tiếp tục chủ động, tích cực hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị di sản nhằm quảng bá mạnh mẽ giá trị hình ảnh văn hóa, con người An Giang đến với Nhân dân trong và ngoài nước để các giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mãi được giữ gìn, trao truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau, sẽ mãi trường tồn và phát triển cùng dân tộc./. |
Thu Thảo