(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 31/3, Sở Nội vụ - Cơ quan thường trực Tổ Kiểm tra công vụ tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công vụ tỉnh An Giang năm 2025.

Theo đó, Tổ sẽ kiểm tra các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, của Tổ trưởng Tổ Kiểm tra công vụ; kiểm tra thường xuyên, trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc kiểm tra qua báo cáo theo kế hoạch.
Nội dung kiểm tra việc tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Kiểm tra tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, văn hóa công sở, thái độ giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ.
Kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, địa phương; việc chấp hành quy định thời gian làm việc hành chính. Việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.
Trường hợp phát hiện, ghi nhận cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, Tổ Kiểm tra công vụ báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đồng thời, báo cáo kết quả kiểm tra cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền.
Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nhất là các vấn đề phát sinh có nhiều dư luận không tốt, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, vi phạm đạo đức, văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Qua kiểm tra nhằm chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; góp phần phòng, ngừa các hành vi vi phạm. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị trong việc gương mẫu chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng “chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”./.
Hạnh Châu