(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 19/02, UBND huyện Phú Tân phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon tổ chức tổng kết mô hình canh tác lúa bền vững (AWD) giảm phát thải và trao thưởng các hộ tham gia dự án tại xã Hiệp Xương. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo chủ trì Hội nghị.


Mô hình sản xuất theo quy trình 1 triệu héc - ta lúa chất lượng cao tại Hợp tác xã Hiệp Xuân Phú với quy mô 15 ha, có 10 nông dân tham gia, canh tác giống OM 5451, áp dụng mật độ gieo sạ 80kg/ha. Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật và nông dân thăm đồng nhận dạng sâu bệnh; thiên địch và hướng dẫn nông dân viết sổ tay nhật ký canh tác để so sánh hiệu quả kinh tế vào cuối vụ.
Kết quả, qua 3 lần tập huấn có 90 lượt nông dân tham dự, nhận thức của nông dân được nâng lên, không phun thuốc trừ sâu, rầy trong suốt vụ. Ước tính trung bình giảm 0,5 lần phun thuốc trừ sâu; giảm 1.63 lần thuốc trừ bệnh.
Xét về hiệu quả kinh tế, ruộng mô hình giảm chi phí phân bón từ 300.000 – 800.000 đồng/ha, giảm từ 1,8 - 3 triệu đồng/ha chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân năng suất tương đương 6,6 tấn/ha với giá bán 8.000 đồng/kg, ruộng mô hình thu về trên 32 triệu đồng/ha, trong khi ruộng đối chứng thu về khoảng 26 triệu đồng/ha, ruộng mô hình lợi nhuận từ 3,3 - 3,9 triệu đồng/ha.
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, khi áp dụng chuẩn quy trình này, với tổng diện tích 15 ha đã giảm phát thải được 3,23 tấn/ha, tương đương giảm trên 53 tấn carbon.


Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh, mô hình thành công nhờ sự quan tâm đặc biệt của địa phương, nhận thức tập quán canh tác cũ của nông dân sẽ thay đổi nếu ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ. Qua tổng kết và trao thưởng từ mô hình này là cơ sở để nông dân chủ động tham gia, mở rộng diện tích canh tác theo đề án, hướng đến nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững./.
Mỹ Hạnh