(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn Mekong Connect 2024, chiều ngày 17/12/2024, tại An Giang, Hội thảo với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.
Đến tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Phước; Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; Các chuyên gia; Đại diện lãnh đạo các Sở ngành của các tỉnh, thành và các Doanh nghiệp thuộc Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao đến từ các địa phương trong cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Phước nhấn mạnh vai trò của Mekong Connect, diễn đàn thường niên khởi nguồn từ sáng kiến liên kết vùng ABCD Mekong, trong việc kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Năm nay, sự kiện có sự tham gia của các tỉnh mới như Vĩnh Long và Hậu Giang, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ, hướng đến phát triển bền vững.
Ông Lê Văn Phước chia sẻ, tỉnh An Giang định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng, đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cá tra, rau màu, cây ăn trái, dược liệu và nấm ăn. Tỉnh đặt mục tiêu tăng cường chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, và nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi cung ứng khép kín. Đồng thời, bày tỏ mong muốn hội thảo lần này sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia, địa phương và doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ giải pháp về nông nghiệp bền vững, chống biến đổi khí hậu và phát triển chuỗi giá trị kinh tế khu vực.
Nhiều nội dung thiết thực được trình bày tại Hội thảo, như khai thác tiềm năng dược liệu tại An Giang, nâng cao giá trị xuất khẩu dừa ở Bến Tre bằng công nghệ mới và mô hình IMO kết hợp nông nghiệp – môi trường – khởi nghiệp tại Đồng Tháp. Đồng thời, giới thiệu các công trình nổi bật như chuỗi giá trị cây chống biến đổi khí hậu và mô hình trồng sầu riêng bền vững. Các vấn đề về tài chính nông nghiệp xanh, sinh kế thuận thiên và phát triển lúa mùa nổi cũng được thảo luận.
Hội thảo đã mang lại nhiều giải pháp thiết thực, mở ra cơ hội hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp, không chỉ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên bản địa mà còn thúc đẩy liên kết vùng chặt chẽ hơn. Những sáng kiến và mô hình được chia sẻ tại đây không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế địa phương mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới./.
Nhóm PV