Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Sáng 16/4, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 tại điểm cầu Trung ương (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam) 

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 tại điểm cầu An Giang
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng tham dự và chủ trì hội nghị điểm cầu tỉnh An Giang

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 21.000 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương và các điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong toàn quốc, với hơn 1,5 triệu người tham dự.

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng tham dự và chủ trì hội nghị điểm cầu tỉnh An Giang. Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI; các đồng chí nguyên lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các đồng chí nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghỉ hưu cư trú tại địa bàn thành phố Long Xuyên cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, sở ngành, địa phương.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề “Về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030”. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề “Về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng”. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư nêu rõ, về cơ bản chủ trương đã rõ, phương án, kế hoạch, lộ trình triển khai đã cụ thể. Đây là điểm mới trong tổ chức quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng theo hướng rõ người, rõ việc, rõ cách làm, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành, sau Hội nghị là bắt tay thực hiện được ngay. Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau Hội nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định được những công việc cần làm trong thời gian tới. Từng cán bộ, đảng viên cũng đã hình dung ra được trách nhiệm cá nhân trong “cuộc cách mạng” chung của đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, thấu đáo, kỹ lưỡng các nội dung của Nghị quyết và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thực hiện.

Trước yêu cầu cùng lúc phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, phạm vi rộng, thời gian ngắn, chất lượng cao, nhiều việc chưa có tiền lệ và để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư yêu cầu, phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, xác định đây là một “cuộc cách mạng” về sắp xếp bộ máy tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính và cải cách, đổi mới để phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của chủ trương này, tạo được sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng và lan tỏa ra toàn xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, định hướng mà Trung ương đã đề ra.

Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch, bảo đảm các công việc được thực hiện đúng tiến độ thời gian quy định, nhất là các mốc thời gian quan trọng. Khuyến khích các địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành sớm các công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần “ổn định sớm để phát triển". Tăng cường thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, các quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân phải được thực hiện theo đúng quy định, nhất là những nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sáp nhập các tỉnh, sáp nhập các xã.

Tổng Bí thư đề nghị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển.

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị; phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân.

Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập; phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất - Nhân sự Đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã - Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV - Nhân sự Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Như tôi đã nói, tiêu chí đầu tiên để bố trí cán bộ là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ “đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng” để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước.

Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí từ Trung ương đến cơ sở phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam./.

TT-TC