An Giang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 07-10, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Ảnh - Huỳnh Anh

Theo Kế hoạch, mục tiêu phát triển ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn cho người dân trên địa bàn tỉnh, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; thực hiện bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh...  góp phần xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) nhằm phát huy sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương; Duy trì, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; khảo sát, rà soát ngành nghề nông thôn đạt tiêu chí quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ đề xuất công nhận nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực ngành nghề nông thôn là 80% và tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ là 35%;  Hỗ trợ ít nhất 200 thanh niên khởi nghiệp từ các sản phẩm ngành nghề nông thôn, trong đó có 15 thanh niên đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ thành lập 04 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; Hỗ trợ ít nhất 04 mô hình điểm liên kết sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn gắn với hoạt động du lịch, điểm du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh An Giang;  Phấn đấu có 250 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 03 sao trở lên, trong đó, có 50% là sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn; 15 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá cấp Quốc gia; Phấn đấu thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn tăng 2,5 lần so với năm 2020.

Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo hướng phát triển bền vững gắn với chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, lợi thế của tỉnh; Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn, kết hợp với phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch nông thôn; Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, trong đó Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng.

Để đạt mục tiêu đề ra, An Giang  tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển ngành nghề nông thôn. Đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích liên kết, thu hút các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho các hoạt động phát triển ngành nghề nông thôn; Phổ biến những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đầu tư và những chính sách liên quan cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới; đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở.

An Giang khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm;Tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong ngành nghề nông thôn để tạo ra nguồn nhân lực có tay nghề và kỹ năng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào sản xuất, chế biến, bảo quản và thương mại sản phẩm; Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới, chuyển giao công nghệ; xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp); xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đăng ký mã số - mã vạch cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề. 

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn từ ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, nâng cao năng lực về quản trị và tiếp cận thị trường; Thúc đẩy phong trào hội nông dân, phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp gắn với phát triển sản phẩm đặc sản, đặc trưng, lợi thế của tỉnh.

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm tiềm năng, sản phẩm tiêu biểu thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)...; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cơ hội tiếp cận thị trường; Đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân về cách sử dụng công nghệ số và các giải pháp liên quan để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” trên cơ sở tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và chủ lực của địa phương.

Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh; Tham gia các cuộc thi đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trong ngành nghề nông thôn phát triển kỹ năng và giải pháp mới; Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý tài chính, kế toán, thuế, hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cho thanh niên mới khởi nghiệp; Thúc đẩy và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh theo định hướng chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của vùng miền, địa phương…/.

Nguồn: Kế hoạch số 964/KH-UBND ngày 07/10/2024
Hải Nhu