An Giang tăng cường công tác an toàn lao động trong hoạt động sản xuất công nghiệp

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 42/CĐ-TTg ngày 01/5/2024 về vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguồn baochinhphu.vn

Ngày 24-5, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra và thường xuyên khuyến nghị, khuyến cáo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất công nghiệp, vận hành lò hơi… nhất là đối với các loại máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, định kỳ và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng trước và trong quá trình sử dụng.

Xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn lao động trong hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, không để xảy ra trường hợp tương tự. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện truyền thông.

Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh tổ chức nắm tình hình, rà soát, xác định các khu vực, thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ sản xuất: Có nguy cơ nổ (lò hơi, nồi hơi, các thiết bị, đường ống chịu áp...); sản xuất, bảo quản, sử dụng chất, hàng hóa dễ cháy, nổ có nguy cơ hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ; có nguy cơ xảy ra tai nạn trong quá trình hoạt động (gia công cơ khí, ép thủy lực...); làm việc trên cao, tầng hầm; các cơ sở sản xuất, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, đặc biệt là bồn, bể chứa nguyên liệu dạng bột, lỏng... Qua đó, bổ sung, cập nhật thông tin trong hồ sơ cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC); tham mưu xây dựng, tổ chức thực tập phương án cứu nạn cứu hộ (CNCH) của cơ quan Công an đối với cơ sở, trong đó có các tình huống xử lý sự cố, tai nạn sập đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, sạt lở đất, đá, trên cao, dưới sâu, trong hang, hầm....

Trong quá trình kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với cơ sở, tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định như: Tài liệu kiểm định các hệ thống, thiết bị, đường ống chịu áp lực; niêm yết, phổ biến nội quy CNCH, cắm biển báo, biển cấm tại các khu vực theo quy định của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; hướng dẫn cơ sở thực hiện trách nhiệm trong việc ban hành nội quy, quy định về CNCH, tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức về CNCH, tự kiểm tra về công tác CNCH để loại trừ các nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố; thực hiện duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC, phòng ngừa tai nạn, sự cố trong quá trình hoạt động; kiểm tra, thực hiện kiểm định các phương tiện chịu áp theo thời hạn quy định; thường xuyên vệ sinh công nghiệp, quản lý chặt chẽ việc sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt./.

Nguồn: Công văn số 671/UBND-KGVX ngày 24/5/2024

Hải Nhu

 Quay lại trang trước