An Giang tăng cường tổ chức công tác thăm đồng, phòng trừ dịch hại trên cây trồng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ban chỉ đạo Phòng chống các dịch hại trên lúa và trên các cây trồng khác tỉnh An Giang vừa có văn bản về việc tăng cường tổ chức công tác thăm đồng, phòng trừ dịch hại trên cây trồng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã kết thúc xuống giống vụ Đông Xuân 2023-2024 với tổng diện tích 227.256 ha đạt 99,7% kế hoạch. Cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2023-2024, chủ yếu tập trung 05 giống chủ lực gồm: Đài Thơm 8 là 99.346 ha (chiếm 43,8 %); giống OM 18: 38.923 ha (chiếm 17,1 %); giống IR50404: 26.537 ha, (chiếm 11,7 %); giống OM 5451: 23.033 ha, (chiếm 10,1 %) và Nếp: 16.836 ha, (chiếm 7,4%), giống khác chiếm 9,9 %. Trà lúa lúa trên địa bàn toàn tính tính đến ngày 30/01/2024, cụ thể: giai đoạn mạ: 29.046 ha (chiếm 12.8 %); giai đoạn đẻ nhánh: 141.961 ha (chiếm 62.5 %); giai đoạn làm đòng: 54.047 ha, (chiếm 23.8 %); giai đoạn trổ: 2.202 ha, (chiếm 1.0 %).

Dự báo tình hình thời tiết trong dịp Tết nguyên đán: trời nhiều mây, nhiệt độ thấp nhất có thể đạt 230C vào ban đêm và cao nhất vào buổi trưa là 330C, trời tiếp tục có nắng nóng. Trong tháng 02/2024 trời nắng nóng, có lúc nhiều mây, khả năng có mưa 30-35%, nhiệt độ 25-340 C, khả năng có sương mù sáng sớm. 

Căn cứ theo tình hình sản xuất trên địa bàn theo cơ cấu giống lúa, theo diễn biến các trà lúa (giai đoạn sinh trưởng) ngoài đồng, kết hợp dự báo thời tiết  thì trong dịp Tết nguyên đán dự báo các dịch hại chính xuất hiện gây hại quan trọng trên cây lúa gồm Rầy nâu, Rầy phấn trắng (bọ phấn), Sâu năn (muỗi hành), bệnh Cháy bìa lá (do vi khuẩn), bệnh Đạo ôn cổ bông, bệnh Lem lép hạt, Vàng lúa chín sớm, Chuột,…

Nhằm đảm bảo tổ chức sản xuất, quản lý dịch hại trên cây trồng đạt được hiệu quả, kịp thời để bảo vệ năng suất cây trồng vụ Đông Xuân 2023-2024, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024; theo đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống các dịch hại trên lúa và trên các cây trồng khác tỉnh An Giang đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống các dịch hại trên lúa và trên các cây trồng khác (gọi tắt là Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại) cấp huyện phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện rà soát, kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại ở địa phương (cấp huyện và cấp xã) nhằm đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch hại thực hiện xuyên suốt, hiệu quả và kịp thời.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn, tổ giúp việc tham mưu, xây dựng kế hoạch thăm đồng trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhằm để kịp thời phát hiện, phòng trừ dịch hại hiệu quả, hạn chế tối đa để bộc phát dịch hại gây thiệt nặng ảnh hưởng đến năng suất và lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, phối hợp cùng Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT (được thành lập theo Quyết định 881/QĐ-SNNPTNT, ngày 03/11/2023 về phòng chống các dịch hại trên lúa và trên các cây trồng khác trên địa bàn tỉnh) tổ chức thăm đồng, kiểm tra đồng ruộng nắm diễn biến tình hình theo kế hoạch đề ra; hướng dẫn các giải pháp quản lý, phòng trừ dịch hại kịp thời, có hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông về bản tin về dự báo tình hình hại; bản tin thời tiết nông vụ; hướng dẫn, khuyến cáo các giải pháp phòng trừ dịch hại kịp thời đến người nông dân khi dịch hại vừa xuất hiện.

Ngoài ra, đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế và UBND các xã, phường, thị trấn nhân rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp và chọn các Hợp tác xã liên kết thí điểm với các Doanh nghiệp theo Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"./.

Nguồn: Công văn số 02/BCĐDHCT ngày 2/2/2024
Hải Nhu