(Cổng TTĐT tỉnh AG) - Sáng 08/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chủ trì Phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo). Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì Hội nghị tại điểm cầu An Giang.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu tập trung thực hiện đợt cao điểm thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến năm 2025, làm cơ sở, tiền đề để đến năm 2030, hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông, được Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước. Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo và kiện toàn thành viên, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đang chỉ đạo trực tiếp 40 dự án lớn, với 92 dự án thành phần trên cả 3 phương thức giao thông (đường bộ, đường thủy, hàng không), đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 13 phiên họp của Ban Chỉ đạo, ban hành thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo, trên 400 công điện của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án. Trên cơ sở kế thừa, đúc kết bài học kinh nghiệm quý báu từ các nhiệm kỳ trước, đến nay, cả nước đã hoàn thành 2.021km đường bộ cao tốc, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, thúc đẩy hình thành thêm các khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại mới, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, tạo thêm sinh kế và việc làm cho người dân, đúng như câu nói “đại lộ đại phát”.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang triển khai thi công 38 dự án hoặc dự án thành phần, với tổng chiều dài khoảng 1.700km, trong đó có 25 dự án với tổng chiều dài 1.104km có kế hoạch hoàn thành năm 2025. Hiện có 2 vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án là khối lượng giải phóng mặt bằng một số nơi còn nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu; việc triển khai các thủ tục để cung ứng nguồn vật liệu cát đắp công trình khu vực phía Nam chưa đạt chỉ tiêu được giao.
Để làm tốt nhiệm vụ được phân công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm cá nhân, trên tinh thần lắng nghe, học hỏi, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phù hợp thực tiễn, thúc đẩy số hóa, điều hành thông minh nhằm tăng hiệu quả triển khai các công trình, dự án. Các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần hỗ trợ, chia sẻ, thấu hiểu nhau khi phối hợp triển khai nhiệm vụ; mạnh dạn vận dụng sáng tạo các quy định để triển khai thực hiện phù hợp đặc thù địa phương, điều kiện thực tế.
Sắp tới, Chính phủ sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực cho các địa phương triển khai những dự án trọng điểm, quy mô lớn, giúp thu hút, phát triển những doanh nghiệp lớn tại địa phương để phát huy nội lực tại chỗ. Đối với những người dân phải hy sinh nhà ở, đất sản xuất, mồ mả ông bà... để dọn đến nơi ở mới, nhường đất cho các dự án đi qua, địa phương cần quan tâm chăm lo, kiểm tra, đảm bảo đời sống người dân từ bằng đến cao hơn nơi ở cũ. Qua đó, tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng... khẩn trương hoàn thành các thủ tục, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, nhà thầu khai thác và nâng công suất khai thác những mỏ cát sông, cát biển, mỏ đá, đáp ứng nhu cầu cát, đá cho các công trình cao tốc và công trình giao thông trọng điểm./.
Ngô Chuẩn