Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc Lần thứ 6 - Năm 2025

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, nhằm góp phần tăng cường, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị sản xuất tiếp cận những sản phẩm thiết kế tốt để đầu tư sản xuất; nâng cao chất lượng thẩm mỹ cho các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Đối tượng tham gia gồm các cá nhân, tổ chức là công dân Việt Nam. Mỗi cá nhân, tổ chức được gửi tối đa 05 tác phẩm (đơn chiếc hoặc bộ gồm nhiều chiếc). Tác giả gửi tác phẩm tham gia triển lãm tự đăng kí vào một trong hai nhóm: nhóm Thiết kế sáng tạo hoặc nhóm Sản phẩm ứng dụng.

Đối với nhóm thiết kế sáng tạo: gồm thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang và phụ kiện, thiết kế sản phẩm mỹ nghệ.

Đối với nhóm sản phẩm ứng dụng: gồm các sản phẩm đã thành phẩm trên mọi chất liệu như sơn mài, gốm, sứ, mây tre, chạm khắc vàng, bạc, đồng, gỗ, kim loại, vải, tổng hợp v.v.

Tác giả gửi ảnh chụp tác phẩm để đăng kí tham gia triển lãm (Giai đoạn 1), thời gian từ 21/7 đến 27/7/2025. Địa chỉ nhận tác phẩm tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Phòng Triển lãm và Mỹ thuật ứng dụng, Số 38 Cao Bá Quát, Ba Đình, Hà Nội (ngoài phong bì đề rõ “Ảnh tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2025”). Sau khi Hội đồng tuyển chọn tác phẩm qua ảnh, Ban Tổ chức thông báo kết quả tới các tác giả có tác phẩm được chọn trưng bày. Tác giả sẽ gửi tác phẩm được chọn đến cho Ban Tổ chức để trưng bày triển lãm và chấm giải thưởng. Thông tin chi tiết liên hệ Email: trienlammythuatungdung@gmail.com; Website: www.ape.gov.vn.

Thông qua triển lãm nhằm đánh giá được thực trạng, những thành tựu, thuận lợi và những vấn đề tồn tại, khó khăn, giúp cơ quan quản lý đưa ra các chính sách phù hợp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, phối hợp, liên kết các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân cũng như các làng nghề, các hiệp hội, các công ty, doanh nghiệp phát triển trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa./.

Nguồn: Công văn số 1098/SVHTTDL-QLVH ngày 26/03/2025

Nguyễn Hảo