(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Sáng 25/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị công bố, đánh giá kết quả kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 90 di tích được xếp hạng, 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trên cơ sở kiểm kê, chụp ảnh, lấy thông tin đánh giá hiện trạng tại 16 cơ sở thuộc loại hình tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm và 52 cơ sở thuộc loại hình tôn giáo của đồng bào dân tộc thiếu số Khmer, kết quả cho thấy các di tích chùa của đồng bào Khmer và thánh đường, tiểu thánh đường của đồng bào Chăm không chỉ là công trình phục vụ nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng, mà còn là biểu trưng văn hóa của cộng đồng, gắn liền với sinh hoạt đời sống, các nghi lễ, phong tục. Hiện nay, các công trình đều được bảo tồn khá tốt, hạng mục công trình chính tương đối bền vững, việc tu sửa phòng chống xuống cấp được thực hiện thường xuyên.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian liên quan đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer. Qua kiểm kê lấy thông tin 432 mẫu phiếu và điền giả cho thấy hầu hết các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang tồn tại ở các mức độ khác nhau. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã hoàn thiện 1.053 mẫu phiếu ghi chép thông tin các loại hình di sản văn hóa. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu hữu ích, phục vụ công tác nghiên cứu về di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện, các phiếu thông tin được số hóa, lưu trữ lâu dài, đảm bảo truy xuất thông tin nhanh và chính xác./.
Mỹ Linh – Huỳnh Anh