Chuyển đổi số trong chăn nuôi gà

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Trong những năm gần đây, chuyển đổi số dần trở thành một động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững.

Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn hiện nay cùng với những mô hình quản lý hiện đại, thay thế con người, đã và đang áp dụng các công nghệ như blockchain (để theo dõi nguồn gốc và quản lý chuỗi cung ứng), công nghệ IoT (giúp giám sát và theo dõi sức khỏe, phúc lợi của vật nuôi), công nghệ sinh học (giải pháp an toàn để đưa sản xuất nông nghiệp hữu cơ thay thế dần nền nông nghiệp vô cơ),…

Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập. Nắm được tầm quan trọng này, đồng thời muốn nâng cao thu nhập cho gia đình nên ông Nguyễn Hòa Bình, ấp Mỹ Phú, xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc đã ứng dụng công nghệ số và khoa học kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi gà đẻ trứng tại trại chăn nuôi gà của gia đình. Qua một thời gian, bản thân ông nhận thấy mô hình chăn nuôi đã cho hiệu quả rõ rệt, không những giúp tăng lợi nhuận mà còn bảo đảm an toàn sinh học.

  Hệ thống cho ăn tự động tại trại gà của ông Nguyễn Hòa Bình

Ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Sau thời gian tham quan nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, vào năm 2021, ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà trên diện tích 7000 m2 theo hướng an toàn sinh học. Với 2 trại gà, qui mô nuôi 40 ngàn con, 3 tháng xuất chuồng 1 lần, ông thu lãi bình quân khoảng 50% so với nguồn vốn bỏ ra. Thời gian đầu, nuôi gà thịt, qua quá trình nuôi ông Bình nhận thấy giá cả bấp bênh nên khoảng 1 năm nay ông quyết định chuyển sang nuôi gà đẻ trứng. Hiện trại gà của ông nuôi 2 giống gà là gà Hà Lan và gà Thái”.

Về kỹ thuật nuôi, ông Bình chia sẻ: “ Trên diện tích 1.500 m2 cho mỗi trại gà, ông nuôi 15.000 con gà, ông thiết kế nhiều dãy, mỗi dãy có 3 tầng. Trại gà nuôi theo công nghệ khép kín, với hệ thống quạt đối lưu nhằm đảm bảo không khí thông thoáng, giàn làm mát bằng hơi nước và quạt thông gió đảm bảo cho gà nuôi được mát mẻ quanh năm. Mỗi trại gà đều có hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng, khay ăn, khay uống tự động. Với hệ thống chuồng trại này, nhờ nuôi khép kín và tách biệt với bên ngoài nên đàn gà của gia đình ông phát triển khỏe mạnh và đẻ trứng rất tốt”. 

        Khay ăn tự động 

 Với hệ thống khay ăn, khay uống tự động, ông Bình có thể kiểm soát chính xác khẩu phần dinh dưỡng của từng con gà, đảm bảo gà hấp thụ đúng nguồn dinh dưỡng với mức độ cần thiết. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khoẻ đàn gà, mà còn giảm chất thải từ chăn nuôi – mối lo ngại chính từ chăn nuôi.  

Ông Bình cho biết thêm: “Điểm đặc biệt ở mô hình này là việc lắp đặt thiết bị cảm biến, điều khiển qua điện thoại giúp kiểm soát các yếu tố nhiệt độ, môi trường, không khí... Ông có thể theo dõi đàn gà của gia đình mọi lúc, mọi nơi. Với hệ thống làm mát nhiệt độ trong trại gà, ông có thể điều chỉnh tốc độ quay hoặc số lượng quạt hút gió hoạt động, đảm bảo cho nhiệt độ, độ ẩm không khí của chuồng gà luôn ổn định. Điều này, nhằm tạo môi trường sống thuận lợi để gà phát triển đồng đều, hạn chế được mầm bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi. Cũng theo đó, hạn chế số người tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi ở các công đoạn, tránh lây lan mầm bệnh, tiết kiệm được nhiều chi phí về nhân công lao động, và tăng lợi nhuận cho gia đình”.  

“Trong quá trình nuôi, ông chú trọng đến con giống tốt và thức ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để gà mẹ khỏe mạnh, đẻ trứng có chất lượng cao. Trong suốt quá trình nuôi, cần phải nắm vững kỹ thuật và cần tích luỹ kinh nghiệm. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng gà đẻ đúng kỹ thuật cũng là biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh và tăng tỷ lệ đẻ trứng. Trong quá trình nuôi, ông tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh trên đàn gà” - Ông Bình chia sẻ.

Ứng dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Tại trại nuôi của gia đình, ông Bình đã sử dụng chế phẩm sinh học khử mùi hôi, đồng thời dưới mặt đất lót một lớp cám dừa để phân gà bám vào cám dừa, giúp nền đất luôn khô ráo, phân gà được thu dọn sạch sẽ sau 4 đến 5 ngày/lần. Lượng phân này ông tận dụng để bón cho cầy trồng và bán cho bà con có nhu cầu, cũng mang lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình.

Cũng theo ông Bình, hai giống gà Hà Lan và gà Thái này rất dễ nuôi và phù hợp nuôi nhốt tập trung, sản lượng trứng tương đối cao. Hiện nay, nhu cầu thị trường rất lớn và giá cả tương đối ổn định, có thời điểm trứng gà lên đến 2.500 đồng/trứng, còn thấp nhất là 1.900 đồng/trứng. Thời điểm hiện tại giá bán là 2.000 đồng/trứng, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên chục triệu đồng/ngày.  

Hội Nông dân xã tham quan mô hình chăn nuôi gà của ông Nguyễn Hòa Bình

Bà Huỳnh Thị Bông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc cho biết: “Mô hình nuôi gà đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học của ông Nguyễn Hòa Bình là mô hình mới, đặc biệt là việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ vào chăn nuôi. Đây là mô hình mới phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương hiện nay. Mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Bình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 10 nhân công lao động của địa phương. Hướng tới, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu và đề xuất với ngân hàng chính sách xã hội, quỹ hỗ trợ nông dân nhằm bổ sung thêm nguồn vốn cho những nông dân có nhu cầu chăn nuôi theo mô hình của ông Bình, mở rộng mô hình, góp phần ổn định kinh tế địa phương”.

Ứng dụng công nghệ số nhằm tự động hóa các quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, vệ sinh thực phẩm…. Có thể nói, chuyển đổi số trong mô hình nuôi gà đẻ trứng của gia đình ông Nguyễn Hòa Bình được đồng bộ từ giống, thức ăn, công nghệ chăn nuôi... là những giải pháp để giảm thiểu nguy cơ rủi ro đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả mang lại từ mô hình này giúp người chăn nuôi áp dụng để nâng cao sản xuất trong thời gian tới, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp trong những năm tiếp theo./.

Thanh Thanh