Chiêm ngưỡng những cây di sản ở Châu Thành

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- 3 cây cổ thụ ở xã Vĩnh Thành và xã An Hòa là những cây cổ thụ đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2024. Những cây di sản đã tồn tại hàng trăm năm là minh chứng lịch sử, được ví như báu vật của người dân nơi đây…

Gốc cây đa sộp lớn, nhiều người ôm không xuể

Cành cây đa sộp chằng chịt tạo ra những hình ảnh lạ mắt

Trải qua bao khắc nghiệt của thiên tai, sự tàn phá của chiến tranh, người dân ấp Đông Bình Nhất vẫn luôn gìn giữ, chăm sóc cây đa sộp trăm năm tuổi, như “báu vật của địa phương”. Theo người dân địa phương, không ai biết cây đa sộp mọc trên gò đất bằng phẳng cạnh cầu Trà Sa (ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành) bén rễ tự bao giờ mà chỉ biết cây đa sộp rất thiêng nên người dân địa phương lập miếu thờ dưới gốc cây đa để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân an lành, no ấm, hạnh phúc.

Dưới tán cây cổ thụ xanh mát, chúng tôi được nghe những câu chuyện thú vị từ các bậc lão thành về những sự kiện lịch sử, những kỷ niệm của người dân nơi đây gắn bó với cây đa sộp cổ thụ. Họ luôn tự hào rằng dưới gốc cây đa sộp không chỉ là nơi tụ họp, vui chơi của người dân trong làng, trong xã, mà còn gắn với nhiều dấu ấn lịch sử. “Cây đa sộp gắn liền với người dân chúng tôi, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chúng tôi từ già đến trẻ ai cũng gọi cây đa sộp bằng ông, với một sự kính trọng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đạn bom, nhưng ông sộp vẫn đứng vững và trở thành chứng nhân lịch sử. Không chỉ trong kháng chiến mà thời bình ông sộp vẫn luôn che chở, bảo vệ cho người dân bình yên sau bao giông bão” – bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, nhà cạnh cây đa sộp chia sẻ.

Cây dầu rái tại đình Phú Nhuận sinh trưởng rất tốt
Phần ngọn cây dầu rái cổ thụ tại đình Phú Nhuận
Cây dầu rái hơn 110 tuổi, cao lớn nhất trong khuôn viên chùa Nam An

Được “mục sở thị”, chúng tôi ngỡ ngàng và bị choáng ngợp, cuốn hút bởi hình dáng đồ sộ của cây đa sộp cổ thụ. Cây cao 22m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1.3m là 7m; đường kính 2,25m. Tán cây xum xuê vươn rộng 30 - 40m, gốc cây 7 – 8 người người sải tay ôm không xuể. Các cành nhánh của cây đan xen, móc nối, quấn lấy nhau, giống như một “bức phù điêu” được tạo nên từ thiên nhiên huyền bí, thể hiện sự trường tồn theo thời gian. Cây đa sộp hiển hiện như chứng tích sinh động về bề dầy văn hóa quê hương, là sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên và là điểm tựa văn hóa tâm linh của xóm làng nơi đây. Tháng 05/2024, Cây đa sộp một thân tại cầu Trà Sa (ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Ngoài cây đa sộp cổ thụ ở ấp Đông Bình Nhất, xã Vĩnh Thành còn sở hữu 1 cây di sản Việt Nam khác. Đó là cây dầu rái ở đình Phú Nhuận (ấp Bình Phú 1, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) – đây là ngôi đình được UBND tỉnh An Giang xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2004. Dù đã trải qua bao lần trùng tu sửa chữa, song vẫn còn nguyên giá trị của một ngôi đình cổ kính uy nghiêm, là một công trình kiến trúc tiêu biểu thời phong kiến nhà Nguyễn, ghi đậm dấu ấn thời kỳ mở đất, là một trong những di tích lịch sử văn hóa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, gắn liền với đời sống tinh thần của bao thế hệ người dân sinh ra và lớn lên tại đây.

Cây dầu rái ở đình Phú Nhuận không chỉ gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân, mà điều khá lạ và khó lý giải là dù địa phương hứng chịu nhiều trận “mưa bom, bão đạn” trong chiến tranh nhưng cây dầu rái vẫn vẹn nguyên, xanh tốt. Nằm trước cổng đình Phú Nhuận, cây dầu rái sừng sững khoe bóng trước sự chiêm ngưỡng của người dân và du khách ghé thăm khu di tích này. Cây dầu rái tại đình Phú Nhuận khoảng 150 tuổi, cao 40m, chu vi thân cây cách mặt đất 1,3m là 4,5m, đường kính 2,25m.

Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Trưởng Ban Quý tế Đình thần Phú Nhuận cho biết: Cây dầu rái hiện là chứng tích lịch sử của làng xã xưa. Cây sống lâu, có ý nghĩa phong thủy tượng trưng cho sự trường tồn, mang lại nhiều điều bình an, trường thọ, luôn đem lại may mắn cho mọi người, trở thành một biểu tượng, một báu vật quý giá của người dân qua nhiều thế hệ. “Cây dầu rái cổ thụ tại đình Phú Nhuận có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, khoa học, luôn gắn liền với các truyền thuyết văn hóa tâm linh và sự phát triển của địa phương qua các thời kỳ. Do đó, việc cây dầu rái được công nhận là cây di sản Việt Nam là niềm vui và tự hào đối với cán bộ, Nhân dân địa phương” – ông Nguyễn Văn Lưỡng chia sẻ.

Tại Chùa Nam An (ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ 19, theo kiến trúc truyền thống của đạo Phật với những công trình kiến trúc độc đáo và tinh xảo, chùa nằm trong một không gian yên bình và xanh mát, mang lại cho người đến cảm giác thanh tịnh và thiêng liêng. Trong khuôn viên chùa trồng nhiều cây xanh tỏa bóng mát rượi, như: Dầu rái, sao… Trong đó, có cây dầu rái hơn trăm tuổi, nằm ngay góc trước chùa, gây chú ý nhất bởi kích thước cao lớn vượt trội. Theo các vị cao niên địa phương, cây dầu rái ở chùa Nam An có hơn trăm năm tuổi, trồng cùng thời gian hoàn thành công trình chùa Nam An.

Trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam đối với cây đa sộp tại cầu Trà Sa, ấp Đông Bình Nhất
Trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam đối với cây dầu rái tại đình Phú Nhuận, ấp Đông Phú 1
Trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam đối với cây dầu rái tại chùa Nam An

Do nằm trong khuôn viên chùa, cây dầu rái được chăm sóc tốt và không bị ai tác động nên phát triển tốt cho đến nay. Cây dầu rái được 110 năm tuổi, cao 40m, chu vi 3,3m, đường kính 1,65m. Cây không có nhiều nhánh, chỉ một thân chạy thẳng lên bầu trời và có hơn chục “cánh tay” to khỏe vươn ra xa hơn 10m. Tháng 5/2024, cây dầu rái tại khuôn viên chùa Nam An được công nhận là cây di sản Việt Nam. Việc bảo tồn cây dầu rái di sản được chùa được tiến hành, lót gạch bao quanh, để nơi này ngoài việc là chỗ để tổ chức các sự kiện còn là điểm tham quan cho khách du lịch. Sư Thích Trí Đức chia sẻ: “Việc công nhận cây dầu rái là cây di sản Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng sinh học mà đây còn là sự kiện có ý nghĩa trong tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ cây trồng cho người dân. Nhà chùa cùng với phật tử, Nhân dân địa phương sẽ tiếp tục bảo vệ, chăm sóc cây di sản để cây được phát triển tốt, nhằm lưu giữ không gian xanh của chùa”.

Việc công nhận 3 cây cổ thụ ở huyện Châu Thành là cây di sản Việt Nam, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm. Đồng thời, thể hiện tính nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ những giá trị văn hóa lịch sử.

Trung Hiếu