Sáng 29/12, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh An Giang, đồng chí Lê Văn Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Lê Quốc Cường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan, cán bộ chủ chốt của Sở Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Năm 2025 là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Ngành thông tin và Truyền thông sẽ phải làm gì ở Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao?”. Khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm top 100 toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đang xếp hạng khoảng 120, nhưng hạ tầng số công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, năm 2030 phải thuộc nhóm top 50 toàn cầu, tức là cao gấp đôi xếp hạng kinh tế. Đây là mục tiêu mà Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra cho ngành Thông tin và Truyền thông. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Bộ trưởng đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị cùng nhìn lại kết quả đạt được của ngành thời gian qua, đóng góp tham luận, thảo luận đi đến thống nhất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Sau phần phát biểu khai mạc, Hội nghị đã cùng nhìn lại kết quả 5 năm triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo. Hội nghị cũng nhìn lại tình hình phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam trong 5 năm qua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, an toàn thông tin, chính phủ điện tử đến năm 2030.
Nhìn lại năm 2024, ngành Thông tin và Truyền thông đã ghi dấu ấn với hàng loạt thành tựu nổi bật, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và chuyển đổi số toàn diện. Với chủ đề năm là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số”, các lĩnh vực trong ngành đã đạt được những kết quả ấn tượng. Việt Nam ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc ở chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử (EGDI) và chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI). Hạ tầng viễn thông và số hóa lan tỏa mạnh mẽ, tỷ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam đạt 99,8% dân số, vượt mức trung bình các nước thu nhập cao (99,4%).
Năm 2024 cũng là năm đánh dấu bước ngoặt khi mạng 5G được triển khai thương mại hóa, với 25,5% dân số được phủ sóng. Việt Nam cũng xếp thứ 7 toàn cầu về tỷ lệ sử dụng IPv6, khẳng định vị thế trong việc phát triển hạ tầng số. Kinh tế số bứt phá mạnh mẽ, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 18,3%, với tốc độ tăng trưởng 20% so với năm 2023. Ngành công nghiệp ICT tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đạt 152 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm trước. An toàn thông tin mạng được nâng tầm quốc tế, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia kiểu mẫu về an toàn thông tin, đứng thứ 17 toàn cầu và thứ 4 châu Á - Thái Bình Dương. Nỗ lực này đã tạo lá chắn vững chắc trước các nguy cơ trên không gian mạng. Công tác truyền thông góp phần định hướng xã hội, tỷ lệ xử lý tin xấu, độc trên mạng xã hội đạt 92,7%.
Hội nghị cũng đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông với mục tiêu thúc đẩy sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và doanh nghiệp công nghệ số theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột chính để phát triển đất nước, và Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để thực hiện.
Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Mạng lưới truyền thông chính sách toàn quốc.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và kết quả đã đạt được của ngành Thông tin và Truyền thông cả nước trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong thành tựu chung phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành sự nghiệp của toàn Đảng và toàn dân. Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá và chúng ta kỳ vọng chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để vươn mình đứng dậy mạnh mẽ, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chủ đề cho năm 2025 là chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh doanh số, tạo ra nội lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuyển đổi số, kinh doanh số có thể đóng góp tới 3% vào tăng trưởng GDP hàng năm của các nước đang phát triển.
Để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu, ngành Thông tin và Truyền thông cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, quan tâm đảm bảo an toàn quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng, khắc phục những hạn chế, thiếu sót về cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng. Đối với lĩnh vực báo chí bộ cần quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng bằng chính các biện pháp công nghệ.
Trong thời gian tới, ngành cần phát huy kết quả đạt được, đồng thời đổi mới sáng tạo đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, công nghệ số, góp phần thực hiện vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc…/.
NH-TC