Anh nông dân lớp 5 và hành trình đến với Hội thi Sáng tạo kỹ thuật

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, thích ứng và sáng tạo để nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động, một người nông dân tại Châu Phú, An Giang - dù chỉ học hết lớp 5 - đã chứng minh rằng: Tri thức không chỉ đến từ sách vở mà còn từ thực tiễn cần mẫn và khối óc sáng tạo không ngừng.

Anh Nguyễn Hoàng Phong, hay còn được bà con thân thương gọi là Hai Lâm, ngụ tại xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, là tấm gương tiêu biểu về tinh thần lao động sáng tạo trong nông nghiệp. Nhiều năm liền, anh được công nhận là nông dân sản xuất giỏi và được UBND tỉnh An Giang, huyện Châu Phú, xã Bình Long và Hội Nông dân tỉnh tặng nhiều bằng khen vì những sáng kiến kỹ thuật có giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Anh không chỉ "giỏi làm" mà còn "giỏi nghĩ, giỏi cải tiến", luôn tìm cách đổi mới để nâng cao hiệu quả lao động và giảm bớt nhọc nhằn cho bà con nông dân.

Anh Hai Lâm bên chiếc máy suốt rau muống cải tiến từ máy gặt đập liên hợp

Từ chính những khó khăn trong sản xuất rau muống - một loại cây trồng đặc thù của địa phương - anh Hai Lâm đã tự tay chế tạo ra những thiết bị nông nghiệp cực kỳ thiết thực, tiết kiệm chi phí và thời gian cho bà con nông dân.

Anh bắt đầu tham gia Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh từ năm 2012 và duy trì liên tục qua nhiều kỳ. Ngay trong lần tham dự đầu tiên (2011-2012), anh đã nhận giải Nhì với sáng kiến “Hệ thống rải lúa tươi trong lò sấy” - thiết bị tự động hóa toàn bộ quy trình sấy lúa, giúp giảm nhân công, tăng hiệu quả và bảo vệ sức khỏe người lao động. Từ đó đến nay, anh đã bán ra thị trường hơn 300 hệ thống và nguyên lý hoạt động của sáng kiến này hiện được nhiều lò sấy trên cả nước áp dụng - cho thấy tính ứng dụng cao và sức lan tỏa mạnh mẽ của giải pháp này.

Tiếp nối thành công đó, tại Hội thi lần thứ XIII (2022-2023), anh tiếp tục đoạt giải Nhì với sáng kiến “Máy cắt rau muống lấy hạt” - một thiết bị được chế tạo dựa trên chính những vất vả của nông dân trong các mùa rau thu hoạch bằng tay, vừa mất sức, vừa kém hiệu quả. Thiết bị này đã góp phần nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí cho người trồng rau tại địa phương.

Không dừng lại ở đó, tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV (2024–2025), anh tiếp tục gây ấn tượng khi đăng ký tham gia với hai đề tài mới đầy tính ứng dụng:

 Máy suốt rau muống cải tiến từ máy gặt đập liên hợp: Giải pháp giúp cơ giới hóa hoàn toàn khâu suốt rau muống lấy hạt - vốn là công đoạn tốn nhiều công lao và dễ thất thoát sản lượng. Sáng kiến này không chỉ giải bài toán lao động mà còn cơ chế đánh tơi phần thân rau làm phân cho đất tốt cho vụ tiếp theo.

 Thiết bị tách hạt lép và làm sạch hạt giống rau muống bằng cơ khí và lực hút gió: Thay vì phải mất nhiều thời gian lựa từng hạt giống bằng tay, nay công đoạn chọn lọc đã có thể tự động hóa, tiết kiệm chi phí thuê nhân công đến hàng chục triệu đồng mỗi vụ, nâng cao chất lượng giống rau muống cho toàn vùng.

Những cải tiến của anh Hai Lâm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh mà còn lan tỏa lợi ích đến cộng đồng nông dân trong vùng. Đó chính là giá trị cốt lõi mà Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang hướng đến suốt nhiều năm qua: Phát hiện, cổ vũ và tôn vinh những cá nhân có sáng kiến từ thực tiễn - những người làm nên thành công không nhờ học vị cao, mà nhờ tầm nhìn và trái tim gắn bó với nông thôn, nông dân.

Điều đáng quý hơn cả là anh Hai Lâm vẫn chưa dừng lại. Anh đang ấp ủ chế tạo máy xới đất có băng chuyền và cơ chế đập đất nhuyễn, giúp loại bỏ hoàn toàn các hạt lúa vụ trước còn sót lại trong đất - nguyên nhân gây bệnh “giàn cơi” ảnh hưởng tới vụ sau. Giải pháp này hứa hẹn sẽ giúp bà con tránh được những tốn kém do phải làm “cỏ lúa” bằng tay - một công việc cực nhọc, không hiệu quả và ảnh hưởng chất lượng sinh trưởng bình thường của cây lúa. Anh chia sẻ một cách chân thành “Khi đã có ý tưởng rồi thì tôi dồn hết tâm sức vào làm cho bằng được. Nhiều khi đang ăn, đang ngủ mà gặp chỗ nào khó chưa giải quyết được là tôi cứ suy nghĩ hoài. Có lúc đang ngủ chợt nghĩ ra cách làm, tôi bật dậy ghi liền ra giấy, sáng ra làm tiếp theo ý đó, vậy mà thành công.”

Từ tấm gương anh Hai Lâm - người nông dân học hết lớp 5 nhưng sáng tạo không ngừng, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang một lần nữa khẳng định: Mọi tầng lớp trong xã hội, dù là nông dân, công nhân, trí thức hay học sinh, sinh viên, đều có thể tham gia, đóng góp sáng kiến vì cộng đồng.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang trân trọng mời gọi các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đăng ký tham gia Hội thi năm nay. Bởi mỗi sáng kiến, dù nhỏ, đều có thể góp phần giải quyết một bài toán thực tiễn, làm lợi cho cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - kỹ thuật bền vững cho địa phương.

Văn Nhanh