(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; ngày 31/12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, chủ động phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; tích cực thực hiện tiêm phòng và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, chú ý tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện nhằm phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm để tránh dịch bệnh lây lan. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp: giấu dịch, không báo cáo; bán chạy, giết mổ động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh; vứt xác động vật chết ra môi trường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, vùng nguy cơ, tác hại của dịch bệnh; tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh như tiêm phòng, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học.
Phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh trên động vật tại địa phương năm 2025 và các năm tiếp theo theo quy định để tổ chức triển khai kịp thời hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý dứt điểm tránh dịch bệnh lây lan. Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn vật nuôi trong diện tiêm, chú ý các đàn vật nuôi tại các vùng, các khu vực có nguy cơ cao, các đàn vật nuôi đã được tiêm phòng nhưng sắp hết thời gian miễn dịch.
Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng; Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác số liệu tình hình dịch bệnh trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - Hệ thống VAHIS.
Chuẩn bị nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất, vắc xin, bảo hộ lao động cần thiết, kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch nếu dịch bệnh xảy ra, không để lây lan. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt trong công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm làm giống.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (Công an tỉnh) chỉ đạo đơn vị chức năng quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật ra, vào Việt Nam.
Theo Công văn này, các Sở, ban, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nhằm phòng, chống bệnh trên động vật./.
Nguồn: Công văn số 1869/UBND-KTN ngày 31/12/2024
Hải Nhu