(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng. Đây được xác định là quốc sách hàng đầu, là đột phá chiến lược và động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây là một trong những đột phá chiến lược của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Đảng ta nhấn mạnh chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đồng thời thống nhất quan điểm đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngày 22/12, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với quan điểm phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam có tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế… Phấn đấu đến năm 2045, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các luận cứ khoa học đã đảm bảo cho việc hoạch định các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phan Văn Kiến, đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, thủy sản, rau màu…). Hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa nền hành chính và các lĩnh vực kinh tế - xã hội… phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được đặc biệt quan tâm, tập trung ưu tiên chủ yếu cho mục tiêu giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu của ngành, của tỉnh. Từ năm 2013 - 2023, thực hiện 441 đề tài, dự án trên các lĩnh vực, trong đó có 9 đề tài, dự án cấp quốc gia và 112 đề tài, dự án cấp tỉnh...
An Giang có đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, chuyên gia các ngành nông nghiệp, công nghệ và công nghệ thông tin khá hùng hậu, trong đó có nhiều người được đào tạo sau đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Toàn tỉnh có hơn 25.163 người có trình độ đại học và sau đại học. Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, đội ngũ trí thức của tỉnh tham gia thực hiện 730 chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ (366 chương trình, dự án, đề tài cấp tỉnh và 364 đề tài cấp cơ sở), góp phần tăng cường hàm lượng khoa học và công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của tỉnh...
Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những lĩnh vực có sự đóng góp của đội ngũ trí thức, như: Trí thức ngành giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn; qua đó, kỹ năng giảng dạy, chất lượng đào tạo được nâng lên. Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) có đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ sau đại học chiếm trên 81,5%; có nhiều công trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh và khu vực. Trí thức ngành y tế có trách nhiệm cao trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thực hiện thành công nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao.
An Giang là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa qua hệ thống robot. Trí thức trong các doanh nghiệp là lực lượng trực tiếp tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh... Số lượng tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển mạnh trong thời gian cho thấy hiệu quả của chính sách phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế tri thức tỉnh An Giang.
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Đồng thời, đóng góp tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và nâng chất đời sống Nhân dân./.
Hữu Huynh