Đặc điểm địa chất

An Giang là 1 trong 2 tỉnh ĐBSCL có đồi núi, hầu hết đều tập trung ở phía Tây Bắc của tỉnh, thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Đây là cụm núi cuối cùng của dãy Trường Sơn , nên đặc điểm địa chất cũng có những nét tương đồng với vùng Nam Trường Sơn, bao gồm các thành tạo trầm tích và magma.

Các thành tạo magma :

Trên địa bàn An Giang, loại đá núi lửa có tuổi Jura thượng lộ ra ở phía Đông núi Dài, phía tây vồ Bồ Hong của núi Cấm, phía Nam núi Phú Cường (Tà Péc), phía Bắc đồi Sà Lôn. Thành phần chủ yếu của loại đá này là andesit và những mảnh vỡ được kết dính lại. Đá andesit có màu xám đen,xám xanh đôi khi phối lục. Đá có cấu tạo dòng chảy, đôi khi có cấu tạo hạt nhân được lấp đầy bởi carbonat và thạch anh thứ sinh. Khoáng vật phụ trong đá có apatit và ít quặng. Về thành phần thạch học, đá có hàm lượng oxyt silie(SiO2) là 57-78% , độ kiềm trung bình nhưng thường tăng cao dọc theo ranh giới tiếp xúc với các đá xung quanh.

- Loại đá granitoit tuổi Jura thượng :

Các hoạt động mạnh mẽ của vỏ trái đất trong thời kỳ tạo sơn đã hình thành nên các khối núi Cô Tô, núi Cấm, bao gồm 2 pha. Pha đầu là nhóm đá có thành phần thạch học: diorit, diorit-pyrocene. Pha 2 có các loại đá granite màu xám trắng, chứa nhiều mica và horblem, đặc biệt trong đá này chứa nhiều khoáng vật biotite có màu đen tuyền khi bị phong hóa sẽ chuyển sang thành plogopite (mica vàng) có màu vàng lấp lánh. 

- Loại đá granite hồng tuổi Créta :

Đây là pha xâm nhập được xếp vào phức hệ Đèo Cả có tuổi địa chất là Créta. Chúng được chia thành 3 pha xâm nhập khác nhau .

Pha 1 có diện tích lộ hẹp, hình thành từng dải có chiều ngang từ 700m đến 800m, phân bổ ở sườn phía Đông của núi Cấm, từ khu Lâm Viên đến tiếp giáp với phía Bắc núi Nam Qui. Đá có màu phớt hồng.

Pha 2 xâm nhập chính ở khu vực núi Dài, phía tây Bắc núi Cấm,núi Tượng và các khối núi nhỏ như núi Két , Trà Sư , Ba Thê , Bà Đội. Đá có màu hồng.

Pha 3 phân bổ ở các khối núi nhỏ cô lập như núi Sập , thành phần chủ yếu là granite hạt nhỏ chứa biotite.

Pha đá mạch, thường gặp là ở các mạch aplite, pecmatite có kích thước nhỏ với bề ngang từ vài cm đến vài mét phân bổ rải rác xen kẹp trong các núi Bà Đội , Bà Khẹt, đặc biệt có mạch aplite ở núi Két có bề rộng đến vài mươi mét và là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho kỹ nghệ gạch ceramic.

- Loại đá micro-granite tuổi Créta :
Các loại đá này được xếp vào phức hệ Cà Ná, phân bổ chủ yếu ở các núi cô lập như núi Sam, núi Trà Sư , núi Nổi. Đá có màu xám sáng,hạt nhỏ. Nhiều nơi tập trung thành mỏ như mỏ molipdenite ở núi Sam.

Các thành tạo trầm tích :
Ở tỉnh An Giang được phân chia thành các phân vị địa tầng sau:

- Loại trầm tích có tuổi Trias-hệ tầng DầuTiếng :

Nó lộ ra ở địa hình đồi núi thấp như các núi Nam Qui,Tà Pạ, Phú Cường với thành phần từ dưới lên trên gồm :
Phần dưới chủ yếu là cát kết thạch anh, màu xám hoặc đỏ, phân lớp dày.
Phần trên cát kết hạt vừa và hạt thô, thành phần đa khoáng, đôi khi chứa cuội với các thấu kính cuội kết.

- Loại trầm tích có tuổi Créta-hệ tầng Phú Quốc :

Các loại này xuất hiện ở Tri Tôn, phần cao của núi Nam Qui. Thành phần chủ yếu của hệ tầng là cát kết thạch anh –fenspath màu trắng,đôi khi phớt hồng, phân lớp trung bình đến dày, xen kẽ với những cuội kết .

- Loại trầm tích có tuổi Pleistocene :

Trên diện tích tỉnh An Giang được chia thành các phân vị địa tầng:

+ Pleistocene thượng có nguồn gốc trầm tích biển,tồn tại 2 kiểu mặt cắt như sau :

Kiểu mặt cắt thềm biển cổ: tồn tại dưới dạng dải hẹp (chiều ngang từ 1m-2m) viền quanh các khối núi thuộc các xã An Cư, Thới Sơn (huyện Tịnh Biên). Thành phần trầm tích chủ yếu là cát hạt thô có độ lựa chọn kém lẫn ít bột và tảng lăn đá gốc.
Kiểu mặt cắt trầm tích biển nông ven bờ: lộ trên mặt dọc kênh Vĩnh Tế, từ An Phú đến Lạc Quới. Thành phần trầm tích chủ yếu là bột, sét và 1 ít sạn sỏi ở phần giáp đáy.

- Loại trầm tích có tuổiHolocene:

+ Holocene trung có nguồn gốc trầm tích biển:

Địa bàn An Giang, các trầm tích xếp vào phân vị này lộ trên mặt dưới dạng các dải thềm hẹp với bề ngang thay đổi từ 1-2km đến 4-5km viền quanh các khối núi ở khu vực Tri Tôn , Ba Thê , núi Sập. Chúng được chia thành 2 kiểu mặt cắt như sau:
Mặt cắt kiểu thềm biển có thành phần chủ yếu là cát hạt trung-mịn lẫn bột sét và chứa ít sỏi sạn.
Mặt cắt kiểu trầm tích biển nông, cửa sông, vũng vịnh chỉ gặp trong các lỗ khoan độ sâu từ 2-3m và thay đổi từ 2-3m đến hơn 10m. Trầm tích chủ yếu là bột, cát, sét, mịn, không nhiều sỏi, sạn ở đáy, có nơi vỏ sò tập trung dạng dải (ám tiêu) như ở khu vực Vọng Thê (huyện Thoại Sơn).

+ Holocene trung có nguồn gốc trầm tích sông - biển:

Nhóm trầm tích này thường lộ ra rộng rãi trên mặt,chiếm phần lớn diện tích tỉnh An Giang dưới dạng đồng bằng. Trầm tích này có quan hệ chuyển tiếp với các trầm tích biển tuổi Holocene giữa , thành phầnchủ yếu là sét, sét bột, bột có màu xám xanh đến nâu , vàng…

+ Holocene trung-thượng phần dưới có nguồn gốc trầm tích biển: 

Nó lộ ra ở khu vực Ba Chúc, Vĩnh Gia ở dạng đồng bằng thấp (có độ cao 1,5-2m) tạo thành dãy uốn lượn kéo dài theo hướngTây Bắc-Tây Nam. Thành phần trầm tích gồm sét, cát mịn và không nhiều sạn,sỏi ở đáy.

+ Holocene trung-thượng phần trên có nguồn gốc trầm tích sông- đầm lầy:

Nhóm này phân bố dạng dải trũng thấp, kéo dài theo hướng gần Bắc-Nam từ núi Sam tới Cô Tô, với bề ngang thay đổi từ 4-5km đến cả chục km. Ngoài ra, chúng còn có mặt không nhiều ở Ba Chúc và Lương Phi. Thành phần trầm tích gồm sét, bột, mùn thực vật phân hủy kém, than bùn.
   
 + Holocene thượng được phân thành 2 dạng trầm tích khác nhau:   

Trầm tích sông-đầm lầy: Chủ yếu phân bổ ở Vĩnh Gia, Ba Chúc, An Tức, Tà Đảnh, trên độ cao địa hình 1-2m tạo thành các dải kéo dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam hoặc hướng kênh tuyến.Thành phần chủ yếu của tầng này là than bùn, xác thực vật, rất ít sét … lấp đầy lòng sông cổ.
 
+ Trầm tích sông:

Trầm tích sông còn gọi là trầm tích phù sa mới. Chúng phân bố phổ biến dọc theo 2 bên bờ sông Tiền , sông Hậu và một số sông rạch khác. Dải bồi tích có bề rộng không đồng nhất mà thay đổi phụ thuộc vào sự uốn khúc của sông. Đặc biệt là những nơi dòng sông đang có sự dời lòng như ởcác xã Phú Hữu, Vĩnh Trường , Vĩnh Hòa (Tân Châu), xã Đa Phước (An Phú), xã Khánh Hòa (Châu Phú) … Chúng tạo nên những bãi bồi được ngăn cách bằng những trũng nhỏ dưới dạng những con rạch (xép). Thành phần trầm tích chủ yếu là bột sét và cát mịn. Tùy thuộc vào điều kiện và môi trường thành lập mà chúng được chia thành các kiểu trầm tích :

Trầm tích đê tự nhiên: Là dải đất khá cao, phát triển dọc 2 bên bờ sông, rạch lớn do vật liệu các trận lũ bồi đắp nên. Bề ngang các dải đê tự nhiên từ vài chục mét, có nơi đến vài km, do sự chuyển dịch liên tục của dòng sông như ở Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), rạch Cỏ Lau ở Vĩnh Hòa (Tân Châu). Đê tự nhiên trở thành đất thổ cư, khu đô thị ,đường giao thông.

Trầm tích bưng sau đê: Thường xuất hiện ngay sau đê hoặc giữa các đê tự nhiên,là nơi có địa hình hơi trũng, vật liệu trầm tích chủ yếu là sét , bột. Bưng sau đê thường được dùng cho trồng lúa; dễ bị lầy hóa, ngập úng.

Trầm tích đồng lụt (hay là đồng phù sa): Đây là diện tích bị ngập lũ hàng năm. Do mặt đất trải rộng, thời gian ngập lũ lâu nên đồng lụt là một bồn khổng lồ để phù sa mịn hạt của sông trầm lắng. Càng xa sông, lớp phù sa trầm lắng càng mịn hạt và ít dần.

Trầm tích bưng lầy và trấp: Là các trũng nhỏ, dạng nằm cách xa sông, đất không có điều kiện thấm nước và thoát nước, nên độ ẩm duy trì suốt năm. Đây là nơi tiếp giáp giữa đồng lụt thấp và thềm bồi tích chân núi. Trầm tích chủ yếu là xác bã thực vật sinh sống trong môi trường đầm lầy, khi chết tạo thành lớp hữu cơ dày 1-2m, vượt quá 20% trong đất. Bưng lầy lúc đó gọi là đất trấp. Ở An Giang, bưng lầy và trấp phân bố thành đai kéo dài ở phía Đông của vùng Bảy Núi…

Cồn sông (hay là cù lao sông), doi sông mới là phần đất phát triển ngang được nhô ra do dòng sông dịch chuyển hướng dòng chảy đi nơi khác, vật liệu thô thường được bẫy lại. Thành phần chủ yếu là cát thô và bột. Đây là phần trầm tích đáy của lòng sông Hậu và sông Tiền. Cồn sông có địa hình không bằng phẳng, nó được bao bọc bởi gờ cao chung quanh, ở giữa cồn thường có địa hình lồi lõm, dấu vết của quá trình gắn liền những cồn sông cổ lại với nhau. Nơi có cơ cấu cây trồng rất đặc biệt, gồm các loại cây ăn trái và màu.