Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải được thể hiện trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của tỉnh và địa phương

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải được thể hiện trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hằng năm của tỉnh và địa phương

Ngày đăng: 24/11/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đề ra trong Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 05 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh An Giang, được ban hành theo Quyết định số 2615/QĐ-UBND, ngày 11/11/2020, thay thế Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 28/5/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương 05 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 05 Khóa IX),  Luật Hợp tác xã năm 2012, Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 02 tháng 8 năm 2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được nâng lên.

Responsive image

 An Giang tập trung triển khai hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.C

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài; đã xuất hiện thêm nhiều loại hình, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, tính đến cuối tháng 6/2020, An Giang có 202 hợp tác xã, trên 140 ngàn thành viên, hoạt động trên 6 lĩnh vực; trong đó hợp tác xã nông nghiệp, thuỷ sản chiếm đến 69,8%, còn lại các hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực quỹ tín dụng nhân dân, vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, môi trường...

Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 17 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị tại địa phương với các sản phẩm chủ lực như: lúa, gạo, xoài...; trong đó, có 5 hợp tác xã sản xuất rau màu an toàn với diện tích 95 ha, 5 hợp tác xã xoài chất lượng cao phục vụ xuất khẩu với diện tích 3.200 ha, còn lại là các hợp tác xã sản xuất lúa, nếp.

Một số hợp tác xã tại An Giang thời gian qua đã làm tốt vai trò trong liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho thành viên. Hàng năm trung bình có 30 hợp tác xã và tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất với gần 40 doanh nghiệp trên diện tích gần 35 ngàn ha... 

Bên cạnh các kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn hạn chế, bất cập. Nguyên nhân là do một vài nơi cấp huyện chưa quan tâm đúng mức về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 05 năm và hằng năm; chưa lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của ngành, địa phương.  

 Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác. Trình độ quản lý hợp tác xã của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc còn hạn chế trong công tác tổ chức, trong việc mở rộng thêm dịch vụ và thu hút nguồn vốn từ việc kết nạp thêm thành viên mới của hợp tác xã, nguồn lực hỗ trợ phát triển hợp tác xã còn thấp. Một số hợp tác xã vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Việc quy định, hướng dẫn cơ chế, chính sách củng cố, nâng chất, hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ bộ, ngành Trung ương còn chậm.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 70-KL/TW ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 05 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Nhân dân về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.  

Trong thời gian tới, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nghiên cứu, đề xuất đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy (chuyên đề) trong hệ thống các trường chính trị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững.  Có phương án xử lý dứt điểm việc nợ đọng ở các hợp tác xã, tạo điều kiện để giải thể các hợp tác xã yếu kém, ngưng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức kinh tế khác. Cân đối và bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước với kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện cụ thể của tỉnh.  Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc hợp tác xã, đội ngũ quản lý tổ hợp tác và công chức quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Có cơ chế để các hợp tác xã đủ năng lực, điều kiện được tham gia thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đầu tư công.  

Thứ ba, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã theo hướng ngành Kế hoạch và Đầu tư thống nhất quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Kiện toàn tổ chức ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cấp huyện để thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, phối hợp, điều hành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế tập thể, hợp tác xã tiên tiến, thành công, hiệu quả. Quan tâm, phát triển các tổ chức, cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Hội Nông dân tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ động rà soát các nội dung được ủy quyền quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, tổ hợp tác; kịp thời đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn quản lý tại địa phương. 

Thứ tư, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, gắn với phát huy vai trò làm chủ, lợi ích của các thành viên, khả năng huy động, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao vai trò chủ thể của các thành viên tham gia. Thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các hợp tác xã. 

Thứ năm, củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, ủy thác (kiểm toán, đào tạo, tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ...) theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ đối với Liên minh Hợp tác xã tỉnh. 

Thứ sáu, phát huy vai trò của Hội Nông dân tỉnh, các hội quần chúng trong việc thực hiện Nghị quyết, chính sách pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Thứ bảy, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác. Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới công tác quản lý, hoạt động sản xuất, phát triển và nâng cao chất lượng nông sản, sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, khẳng định vai trò nền tảng của khu vực kinh tế, hợp tác xã trong nền kinh tế.  

Responsive image

Phan Thanh

Danh mục