Phát triển Châu Đốc thành đô thị du lịch thông minh, hiện đại

Phát triển Châu Đốc thành đô thị du lịch thông minh, hiện đại

Ngày đăng: 03/04/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 02-4, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Châu Đốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(Ảnh – Nguồn Cổng Thông tin điện tử tỉnh)

Theo đó, đến năm 2030, phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Châu Đốc theo hướng tăng trưởng xanh; Phát triển du lịch tâm linh gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương trở thành đô thị du lịch thông minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước của miền Tây Nam Bộ và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển thành phố trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh với đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia.

Để đạt được mục tiêu, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện và triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030; Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách về đất đai hiện hành vào điều kiện cụ thể của thành phố; Thực hiện các chính sách liên quan đến bồi thường hỗ trợ tái định cư như đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề đối với những người bị thiếu đất hoặc không còn đất sản xuất khi nhà nước thu hồi đất.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, chú trọng đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; Đẩy mạnh công tác mời gọi đầu tư, tập trung thu hút đầu tư các dự án như Hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Tế, Khu đô thị du lịch phường Châu phú A, Châu Phú B, phường Núi Sam (Khu đô thị mới phường Núi Sam), phường Vĩnh Mỹ (Khu đô thị du lịch bãi bồi Vĩnh Mỹ), Khu du lịch Bắc Miếu Bà… 

Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thành phố Châu Đốc; Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư trên địa bàn; Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư kết nối đầu tư giữa các nhà đầu tư trong, ngoài nước với thành phố Châu Đốc để mời gọi đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ - du lịch và vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố.

Tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của Châu Đốc về du lịch tâm linh, du lịch sinh thái; Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch, trong đó có Khu du lịch quốc gia Núi Sam; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý các hoạt động kinh doanh lưu trú, lữ hành, dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch.

Phát triển thương mại, dịch vụ, tập trung tạo quỹ đất để mời gọi đầu tư phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích,…đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân; Hỗ trợ phát triển thương mại đêm nhằm thu hút và giữ chân khách du lịch; Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh, lịch sự, gây ấn tượng tốt cho du khách khi đến tham quan, mua sắm tại địa phương.

Ưu tiên tạo quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics của thành phố Châu Đốc đồng bộ, hiện đại; Tiếp tục đầu tư hoàn thành các công trình phát triển hệ thống logistics, nhất là các công trình phục vụ cho hoạt động kinh tế biên giới của địa phương; Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ logistics, nhất là dịch vụ logistics xanh, e-logistic, lựa chọn và phát triển một số dịch vụ chất lượng cao hướng đến xuất khẩu; Phát huy lợi thế các cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương kết nối với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hướng đến Thành phố Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh việc đầu tư, huy động các nguồn lực đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố Châu Đốc. Nghiên cứu chiến lược phát triển khai thác có hiệu quả tài nguyên di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh kết hợp yếu tố lễ hội truyền thống và ẩm thực vùng miền trên địa bàn thành phố Châu Đốc. Phấn đấu đến năm 2025, Lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Bên cạnh đó, nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; Hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo và nâng chất hoạt động giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực; Đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Châu Đốc.

Giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát đường mòn qua biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia; Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh.

Chủ động và tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả. Củng cố mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa An Giang với Takeo và Kandal của nước bạn Campuchia; Phát triển kinh tế biên giới trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh tế khu vực biên giới. Đẩy mạnh ra quân, kiểm tra, phòng chống và xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng gian, hàng giả qua khu vực biên giới.

Đồng thời, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định./.

HY
Nguồn: Kế hoạch số 339/KH-UBND ngày 02/4/2024

Danh mục