An Giang tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn

An Giang tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn

Ngày đăng: 09/04/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 05-4, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực), các sở ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn.

Nạo vét các kênh mương, các đầu cống bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước

Cụ thể, tiếp tục thực hiện văn bản 179 của UBND tỉnh và văn bản 01của Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt.

Đồng thời tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện quản lý vận hành đóng, mở hợp lý hệ thống cống để trữ nước vào hệ thống kênh đảm bảo đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh ở từng khu vực, thời điểm sản xuất; chủ động bơm nước vào những thời điểm triều cao để bơm nước; Đảm bảo cung cấp điện xuyên suốt cho các trạm bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước phục vụ dân sinh.

Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Chủ động nạo vét các kênh mương, các đầu cống bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước; rà soát, đánh giá khả năng lấy nước các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.

Cạnh đó, bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cấp nước, kiểm soát nguồn nước, vận hành tích trữ nước đặc biệt công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, công trình lấy nước ven sông./.

Nguồn: Công văn số 415/UBND-KTN ngày 05/4/2024
Hải Nhu

 

Danh mục