An Giang: 7 doanh nghiệp đạt chứng nhận xuất khẩu uy tín năm 2019

An Giang: 7 doanh nghiệp đạt chứng nhận xuất khẩu uy tín năm 2019

Ngày đăng: 16/09/2020

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Kết quả xét chọn "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2019 do Bộ Công thương vừa công bố, An Giang có 7 doanh nghiệp đạt chứng nhận trong tổng số 268 doanh nghiệp cả nước, gồm 4 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo (Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Angimex-Kitoku), 2 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản (Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang, Công ty Cổ phần Nam Việt) và 1 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu rau quả đông lạnh là Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco).

Responsive image

Các doanh nghiệp nước ngoài tham quan Nhà máy gạo Tấn Vương

Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đặc biệt là tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 890 triệu USD, tăng 5,95% so cùng kỳ năm trước. 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 603,33 triệu USD, tăng 3,54% so cùng kỳ năm trước, bằng 64,87% so kế hoạch năm.

Công ty Cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) là doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu rau quả đông lạnh duy nhất của tỉnh được chứng nhận doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; là một trong những công ty hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu các loại rau quả đông lạnh IQF và đóng hộp. Antesco hiện có 3 nhà máy đang áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của Châu Âu và hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 22000; SEDEX; BRC FOODS; GLOBAL GAP, KOSHER; HALAL, FDA. Tổng sản lượng hàng năm trên 20.000 tấn. Antesco đã có mối quan hệ mua bán với nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Canada, Châu Âu, Nhật...; phát huy hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn ISO 22000; 2005; HACCP; BRC Foods giúp cho sản phẩm sản xuất đạt chất lượng cao và ổn định, giữ vững được thị trường xuất khẩu truyền thống.

Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Ngọc Vinh cho biết: "Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu công ty đạt 12 triệu UDS; 8 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8 triệu USD, tương đương với 8.000 tấn thành phẩm, tổng doanh thu 240 tỷ đồng. Đạt được danh hiệu xuất khẩu uy tín công ty rất phấn khởi, đây là động lực, niềm tin giúp công ty nỗ lực tiếp tục phấn đấu xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, cũng như xây dựng thị trường đầu ra cho sản phẩm ngày càng tốt hơn, để tiếp tục đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa các nước, để công ty phát triển thị trường và giữ vững DN xuất khẩu uy tín thời gian tới".

Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), luôn tự hào là một trong những nhà sản xuất gạo an toàn hàng đầu Việt Nam, đáp ứng các quy chuẩn quốc gia về kinh doanh xuất khẩu gạo. Ngay từ khi được thành lập, Tấn Vương đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng dưới sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và các nhà khoa học, cùng nông dân xây dựng các vùng trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn và theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Từ đó, Tấn Vương đã kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào từ chọn giống, xử lý đất đến chăm bón và thu hoạch.

Giám đốc Nhà máy gạo Tấn Vương Lê Trần Thiện Nhân chia sẻ: "Từ năm 2014, Tấn Vương đã đạt doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và duy trì cho đến nay. Để đạt được chứng nhận đó, công ty đã chấn chỉnh, siết chất lượng, thông qua đầu tư vùng nguyên liệu để có được sản phẩm ổn định về chất lượng, siết các quy trình sản xuất, xây dựng HACCP, ISO22000 và BRC... để quản lý chất lượng hàng hóa tốt hơn, từ đó chiếm được cảm tình và uy tín với khách hàng trong và ngoài nước. Tại nhà máy, đầu tư trang thiết bị hiện đại, được vận hành bởi các kỹ sư lành nghề, hạt lúa được chế biến và kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn HACCP, ISO22000 và BRC từ sấy, xay, lau bóng, tách màu, với công suất đồng bộ 20 tấn gạo thành phẩm một giờ. Hai phòng đóng gói với tổng công suất 180 tấn một giờ có thể đóng loại túi nhỏ dưới 1 ký đến các bao lớn trên 50 ký; hệ thống kho sức chứa trên 25.000 tấn, luôn đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng các đơn hàng lớn".

Đặc biệt, từ năm 2015 Tấn Vương hướng đến sản xuất sản phẩm hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm và đã xây dựng vùng nguyên liệu 400 ha sản xuất lúa gạo hữu cơ ở tỉnh Cà Mau, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng với giá cả cạnh tranh. Tấn Vương còn đầu tư vùng nguyên liệu lúa tôm 2.000 ha ở tỉnh Cà Mau và Kiên Giang để nâng cao chất lượng gạo thương hiệu Tấn Vương bán ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, duy trì ở An Giang mỗi vụ 2.000 ha vùng nguyên liệu ở Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú, Chợ Mới, sản xuất sản phẩm cung cấp cho các thị trường dễ tính. Gạo Tấn Vương đã và đang thâm nhập vào thị trường nội địa và được xuất khẩu đến hầu hết các thị trường trên thế giới như: Hồng Kông, Malaysia, Trung Đông và một số nước Châu Phi, đặc biệt là những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Hoa Kỳ, Úc, EU… 

Du trì chất lượng ổn định và lượng khách hàng truyền thống nên dù dịch COVID-19 xảy ra ảnh hưởng nặng đến kinh tế một số nước nhưng tình hình xuất khẩu của DN An Giang vẫn không ảnh hưởng nhiều.

Giám đốc Nhà máy gạo Tấn Vương Lê Trần Thiện Nhân cho biết: "Đợt dịch COVID-19 đầu năm ảnh hưởng một phần thị trường xuất khẩu, do một số nước ngưng nhập khẩu tạm 1 tuần đến 1 tháng, tùy nước, nhưng sau đó vẫn tiếp tục duy trì lượng xuất khẩu ổn định và đặc biệt là lượng tiêu thụ nội địa tăng cao cho đến nay, nên công ty vẫn đảm bảo doanh thu, kim ngạch xuất khẩu".

Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Ngọc Vinh chia sẻ: "Trước tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các hoạt động công ty cũng chịu nhiều ảnh hưởng thị trường xuất khẩu và nội địa. Tuy nhiên, nhiều năm qua Antesco đã nỗ lực xây dựng được thị trường và lượng khách hàng ổn định, nên dù ảnh hưởng dịch nhưng hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của công ty vẫn đảm bảo ổn định, đảm bảo doanh thu, kim ngạch xuất khẩu đã đề ra".

Hiện các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, phát huy và giữa vững thành tích trong thời gian tới để khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới.

Định hướng tới, Công ty Tấn Vương tiếp tục đầu tư sản phẩm chất lượng cao, đầu tư sản xuất hữu cơ, sản phẩm mang đến hạt cơm ngon, an toàn cho người tiêu dùng. Mở rộng thị trường ở An Giang đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất gạo 504 để đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng. 

Riêng Công ty Antesco tập trung xây dựng mở rộng quy mô, nâng diện tích vùng nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; phối hợp, hợp tác, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguuyên liệu cho các sản phẩm chính của công ty theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu và tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam với các nước.

Danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2019 được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của 55 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công thương các tỉnh, thành phố); được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công thương quy định về: mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường... Đây là hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương./.

Hạnh Châu

Danh mục