Một ngày về thăm Dinh Sơn Trung

Một ngày về thăm Dinh Sơn Trung

Ngày đăng: 18/06/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT-AG)-Với kỳ vọng phát triển du lịch để góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của người dân địa phương, chính quyền và người dân Châu Thành cùng nhau chung tay phát triển du lịch của địa phương. Tuy chưa thực sự nổi bật nhưng Châu Thành có nhiều tiềm năng có thể khai thác du lịch, mà Dinh Sơn Trung là một trung những điểm có thể giới thiệu cho du khách.

Responsive image

Dinh Sơn Trung, hay còn gọi là Dinh thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành tọa lạc tại xã Vĩnh An, huyện Châu Thành. Vùng đất này còn có tên gọi là “Bảy Thưa – Láng Linh”. Địa danh này vừa là tên của một cuộc khởi nghĩa của Binh Gia Nghị , vừa là địa danh diễn ra cuộc khởi nghĩa ấy. Trong nhiều địa điểm được xem là những đồn ải xưa của nghĩa binh, thì Dinh Sơn Trung có khả năng là đồn chính, bởi xưa kia, nơi đây là một vùng trũng thấp, rộng lớn có vô số đỉa vắt và lau sậy, cỏ dại phủ mù mịt, thích hợp để xây dựng căn cứ, đồn lũy.

Lý giải về danh xưng “Láng Linh – Bảy Thưa”, người dân địa phương cho rằng cái tên này xuất phát từ đặc điểm tự nhiên. “Láng” có nghĩa là “vùng đất trũng”, “Linh” là tên loài cá đặc sản vùng này. Khi xưa nơi đây là vùng đất đồng trũng quanh năm và có nhiều cá linh, vì vậy mà hình thành tên gọi “Láng Linh”. Cũng có người giải thích rằng từ “Linh” đến từ cụm từ “linh thiêng” bởi trong điều kiện rừng thiên nước độc, người dân nơi đây hay khấn cầu để được cuộc sống bình an và mong ước của họ đã trở thành sự thật. Khu vực trung tâm vùng đồng trũng Láng Linh có tên gọi là “Bảy Thưa” vì khi xưa nơi này cây thưa mọc dày đặc nên người dân gọi là “bãi thưa”, qua thời gian đọc bị trại âm nên thành “Bảy Thưa” .

Quản cơ Trần Văn Thành sinh khoảng năm 1818 trong một gia đình trung nông, ở ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh Đông, huyện Châu Phú (nay là xã Phú Bình, huyện Phú Tân, An Giang), một cù lao màu mỡ giữa sông Tiền, sông Hậu. Bấy giờ cuộc sống của người dân biên thùy không yên bởi giặc biên giới thường sang khuấy nhiễu. Ông gia nhập quân đội triều Nguyễn khi mới 20 tuổi, được phong suất đội. Trong một trận chiến đấu quyết liệt, đội quân do ông chỉ huy đã đánh bại giặc Xiêm. Ông được triều đình khen tặng và thăng chức Quản cơ, chỉ huy hơn 500 quân sĩ.

Sau đó ông đến thọ phái (gia nhập đạo) với Đức Phật thầy Tây An và trở thành một trong những đại đệ tử của ngài, được giao hướng dẫn một nhóm tín đồ đi khẩn hoang, lập trại ruộng ở vùng Láng Linh (xưa thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành) vừa giúp tín đồ sản xuất lương thực sinh sống vừa xây dựng các căn cứ hiểm yếu để chống giặc.

Năm 1859, Pháp xâm lược Nam Kỳ, thành Gia Định thất thủ, kháng chiến nổ ra khắp nơi. Lúc bấy giờ Trần Văn Thành đang chỉ huy tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai hoang vùng Láng Linh, quay trở lại tham gia quân đội dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Phan Khắc Thận và sau đó là Nguyễn Hữu Cơ. Trong khi các cuộc khởi nghĩa tại Nam Kỳ lúc bấy giờ bị dặp tắt thì cuộc khởi nghĩa của Quản Cơ Trần Văn Thành phát triển thành một chiến khu lớn tại vùng Bảy Thưa. Cuộc khởi nghĩa thu hút đông đảo nhân dân tham gia, số lượng nghĩa binh có lúc lên đến 1.200 người, tạo tiếng vang không chỉ trong phạm vi trong tỉnh mà còn lan rộng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí còn ảnh hưởng lớn sang Campuchia. Với tinh thần quật cường “Thà thua xuống láng xuống bưng. Kéo ra đầu giặt lỗi chưng quân thần”, cuộc khởi nghĩa kéo dài từ năm 1871 đến năm 1873. Dưới sự lãnh đạo của Quản Cơ Trần Văn Thành, nghĩa binh đã chiến đấu can trường, không hề chùn chân dù gian nan, vất vả, không run sợ trước súng đạn hiện đại của giặc Pháp. Tuy nhiên, trong tình trạng cô thế, lại chịu sự càn quét liên tục và quyết liệt của quân giặc, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Tuy vậy, tinh thần chiến đấu của Đức Cố Quản và nghĩa binh thể hiện hào khí anh hùng của dân tộc ta, là nét son rạng rỡ trong trang sử hào hùng của nước nhà. Nhân dân thương tiếc tôn gọi là Ông Cố, lập đền thờ ở Láng Linh. Khâm phục khí phách và hành động của Đức Cố Quản, nho sĩ Cao Văn Cảo – người cùng thời, ca ngợi rằng:

“Non sông Hồng Lạc giặc xâm lăng
Thẳng thắn Trần Công cố sức ngăn
Trời đất biết cho lòng sốt sắng
Kiếp đời ghi mãi chí thù hằn
Đền thờ tỏ dấu dân trong nước
Thơ vịnh nêu tính khách viết văn
Những đứa phản thần qua đến cửa
Gục đầu, run mật, cặp mày nhăn”

Hằng năm, vào các ngày 20, 21, 22 tháng 2 âm lịch, hơn 10.000 người từ các nơi đổ về Dinh Sơn Trung để dự lễ giỗ của Đức Cố Quản Cơ - Trần Văn Thành và tưởng nhớ đến công ơn của vị anh hùng dân tộc đã đứng lên chống lại thực dân Pháp và bè lũ tay sai cướp nước.

Responsive image

Để phát huy truyền thống đấu tranh yêu nước, nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, chính quyền nơi đây đã đầu tư để đưa Dinh Sơn Trung thành điểm du lịch tiêu biểu của huyện. Đến đây, du khách không những được sống lại trong hào khí của Binh Gia Nghị đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước năm nào qua lời kể của thuyết minh viên, mà còn có thể trải nghiệm “một ngày làm nông dân” với các hoạt động như: bắt vịt, bắt cá, đổ dớn, đặt lợp và thưởng thức những món ngon đậm chất miền Tây.

Tour Du lịch về Dinh Sơn Trung là một lựa chọn khá hấp dẫn đối với du khách trong tỉnh bởi chỉ mất khoảng 60 phút đi từ trung tâm thành phố Long Xuyên hay thành phố Châu Đốc.

Bên cạnh đó, các công ty lữ hành, khách du lịch các nơi về An Giang có thể bổ sung Dinh Sơn Trung vào hành trình của mình, bởi Dinh nằm trên tuyến đường Long Xuyên – Đồi Tức Dụp – Núi Cấm. Từ Núi Cấm (Tịnh Biên) có thể đi Vía bà Núi Sam (Châu Đốc). Khách hành hương Vía Bà chúa xứ Núi Sam cũng có thể theo cung đường ngược lại để về Long Xuyên, Cần Thơ, Rạch Giá hay Đồng Tháp.

Đến đây, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Dinh. Dinh Sơn Trung được xây dựng khang trang trên diện tích 4 hecta; được bao quanh bởi kênh rạch và đồng ruộng với cấu trúc đơn giản gồm 1 chánh điện là nơi thờ Đức cố Quản cơ Trần Văn Thành, 2 bên là Tây lang và Đông lang, đây là nơi dành cho tín đồ thập phương ở lại nghỉ ngơi và ăn uống, ngoài ra còn có một hệ thống nhà vệ sinh, nhà tắm rộng rãi và sạch sẽ. Bên cạnh đó, Ban quản lý Dinh Sơn Trung còn cho xây dựng khu di tích Lò rèn, là nơi ngày xưa Ông Cố cùng nghĩa binh để rèn giáo, mác khai hoang đánh giặc. Bên kia con rạch là Đền thờ Bà Cố Nguyễn Thị Thạnh - vợ của Đức cố quản cơ Trần Văn Thành, vừa được xây dựng mới khang trang, nổi bật giữa những cánh đồng lúa xanh mướt. Đền thờ được người dân địa phương và các mạnh thường quân đóng góp xây dựng để tưởng nhớ công ơn Bà Cố đã vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm cung cấp lương thực cho nghĩa binh.

Responsive image

Khách đến Dinh không những được sống lại trong quá khứ hào hùng của ông cha qua lời kể của chú Bảy – người gắn bó với Dinh đã mấy chục năm, về những câu chuyện anh dũng, ly kỳ trong cuộc chiến đấu của Ông Cố và nghĩa binh, mà còn được Ban quản lý Dinh chiêu đãi các món chay  dân dã nhưng không kém phần đặc sắc, như bánh xèo chay, cháo chay… Điều đặc biệt là “khách đến đây dùng bữa hoàn toàn miễn phí, nếu có lòng thì đóng góp vào quỹ chung của Dinh, Quỹ này để chung tay xây dựng, trùng tu và làm công tác từ thiện tại địa phương” – Chú Lộc (Phó ban quản lý Dinh) chia sẻ với ánh mắt đầy từ hào. Ở đây còn chuẩn bị sẵn cả “mền mùng” cho khách thập phương đến thăm Dinh muốn nghỉ lại đêm. Vậy mới thấy sự hiếu khách, thân thiện của người dân nơi đây.

Tuy nhiên, để Dinh Sơn trung trở thành điểm du lịch hấp dẫn không chỉ dựa vào các tiềm năng và ưu thế hiện có mà địa phương cần tổ chức và phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ đi kèm như ăn uống, mua sắm, quà tặng lưu niệm, các sản phẩm làng nghề, các hoạt động nông nghiệp phục vụ du khách…Để du khách khi đến đây, ngoài việc thăm viếng và tìm hiểu về lịch sử của Đức cố Quản, còn được trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp mưu sinh mùa nước nổi của người dân bản xứ như giăng câu, dỡ chài, dỡ dớn và các trò chơi mang đậm bản sắc sông nước như đua xuồng trên sông, tay không bắt cá… Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị phương tiện đưa đón khách cả đường bộ lẫn đường sông, phải là những phương tiện mang đậm bản sắc làng quê sông nước như chẹt, xuồng, xe bò, xe lôi nhằm hấp dẫn, thu hút du khách. Những hoạt động, trò chơi không những phải đảm bảo an toàn mà còn phải thật linh hoạt để không chỉ phục vụ du khách trong mùa nước nổi mà ngay cả mùa khô cũng có thể trải nghiệm được.

Với tiềm năng hiện có và quyết tâm của chính quyền địa phương, cũng như người dân nơi đây, hy vọng trong thời gian sắp tới Dinh Sơn Trung sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn có thể thu hút du khách trong và ngoài tỉnh./.

Diễm Phượng

Tài liệu tham khảo:

-         Kỷ yếu Hội thảo Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa và lẽ hội văn hóa truyền thống huyện Châu Phú;

-         Địa chí Du lịch An Giang.

Danh mục