Đoàn lân sư rồng Nam Hoa Đường chuẩn bị phục vụ Tết

Đoàn lân sư rồng Nam Hoa Đường chuẩn bị phục vụ Tết

Ngày đăng: 26/12/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT AG)- Từ xưa, con lân, con rồng luôn được xem là biểu tượng may mắn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán, tết Trung thu, khai trương, khánh thành,v.v…

Responsive image

Bởi các biểu tượng văn hóa tâm linh từ lâu đời này có ý nghĩa cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và vui vẻ. Chính vì vậy dù trong đời sống hiện đại nhưng loại hình nghệ thuật múa lân sư rồng vẫn được ưa chuộng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống Nhân dân. Trong những ngày này, đoàn lân sư rồng Nam Hoa Đường, tại ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân đang tất bật chuẩn bị và tích cực tập luyện để phục vụ người dân vui xuân đón Tết.
 
Đoàn lân sư rồng Nam Hoa Đường, tại ấp Hưng Thới 2, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân là đội lân cha truyền con nối được thành lập đến nay gần 30 năm thu hút 25 thành viên tham gia. Các thành viên trong đoàn đa phần là trẻ tuổi, trong đó có học sinh từ lớp 9 đến lớp 11. Ngày thường, các anh lớn thì đi làm ăn ở các công ty, các em nhỏ tuổi thì đi học. Những ngày giáp Tết, tự mọi người tụ họp về làm lân, tập luyện, chuẩn bị công phu cho mùa diễn rộn ràng nhất của năm.

Hàng năm, bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch, đoàn lân đã tập hợp đông thành viên để làm lân mới, tân trang “đồ nghề”. Ban đầu mới thành lập, đoàn lân chỉ có vỏn vẹn 2 con lân, với một cái trống nhỏ nhưng đến nay, đoàn đã có 10 con lân, 2 con rồng và đầy đủ đồ nghề để phục vụ người dân khi có nhu cầu. Với niềm đam mê, một số anh em trong đoàn đã bỏ công học hỏi, tìm hiểu trên mạng để tự làm lân diễn và bán đến TP Hồ Chí Minh. Con lân do đoàn tự làm ra theo hình mẫu lân truyền thống Phật Sơn, đây là loại đang thịnh hành nhất hiện nay. Để có thể làm đúng chuẩn, một người làm mất 1 tuần mới hoàn thành con lân, nguyên liệu chính là mây làm khung, bên ngoài trang trí sắc nét, chi tiết.

Em Phan Văn Thạnh, một trong những thành viên gắn bó lâu năm với đoàn lân Nam Hoa Đường cho biết: “Múa lân là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân từ xưa nay. Mỗi khi lân đến nhà, gia chủ đều rất vui, nhiều người trong xóm ẵm trẻ con đến xem tạo thêm không khí phấn khích. Theo Thạnh, đã đam mê với lân thì không nghĩ đến những cái khó. Về kỹ thuật, kỹ xảo, lâu ngày những người thuần thục sẽ chỉ dẫn cho người mới vào nghề. Đòi hỏi duy nhất để theo đuổi bộ môn này là sự kiên trì, đam mê thật sự, còn nếu tham gia cho vui hoặc vì yêu thích nhất thời sẽ không trụ lâu được.”

Đoàn Lân sư rồng Nam Hoa Đường là tên gọi quen thuộc được nhiều địa chỉ doanh nghiệp, xã mời đến biểu diễn nhân dịp khai trương, khánh thành cầu. Trong những đợt biểu diễn, bài múa phổ biến được trình bày là điệu bửu và múa rồng. Mỗi năm đến Tết, bắt đầu từ ngày 28 âm lịch, đoàn bắt đầu khai quang điểm nhãn cho lân và múa phục vụ góp vui cho người dân trong xã. Trung bình một vụ Tết đoàn lân kiếm thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Thù lao mỗi thành viên khá khiêm tốn nhưng các thành viên đều nhiệt huyết, chủ yếu là giúp vui cho người dân chứ không đề cao chuyện thu nhập. Bởi nếu xét về mặt kinh tế, chi phí đầu tư cho đạo cụ, làm lân hoàn chỉnh còn cao hơn số tiền kiếm được.

 

Em Lê Phương Nam, thành viên của đoàn chia sẻ: từ năm lớp 4 em đã tham gia đoàn lân đến nay học lớp 9. Bởi từ nhỏ em đã ham mê múa lân nhưng không được gia đình cho tập, chỉ theo xem cho thỏa mãn. Thích nhất múa lân đầu, làm cho nhiều người vui vẻ, đồng thời rèn luyện sức khỏe.”

Còn em Nguyễn Văn Quốc, thành viên của đoàn chia sẻ thêm: “Từ nhỏ em vốn có niềm đam mê múa lân nhưng ba mẹ không cho theo nghề nên chỉ theo xem. Đến lớn mẹ mới cho em theo đoàn, những giờ không đi học, rãnh em đến đoàn phụ việc và tập luyện. Múa lân tuy vất vả, tiền thù lao không có bao nhiêu nhưng vì sở thích, niềm đam mê và rất vui vì khi gặp nhiều bạn bè. Điều vui nhất là múa lân đem lại niềm vui cho mọi người lớn tuổi và trẻ em.”

 

Múa lân từ lâu đã trở thành một điều tất yếu, thường niên hiện hữu trong những ngày xuân của người dân, đem đến không khí vui tươi, may mắn. Đây cũng là cách để giữ gìn nét truyền thống vốn có của dân tộc và cũng là cách để đưa múa lân trở thành một môn thể thao quần chúng ngày càng phát triển rộng khắp trong thời gian tới.

 

Những ngày này, với không khí tập luyện náo nhiệt, tiếng trống múa lân dồn dập, rộn ràng như báo hiệu một mùa xuân mới an lành, may mắn đang về với quê hương./.

Kim Sang 
 

Danh mục