Nhộn nhịp làng nghề mộc Chợ Thủ dịp cuối năm

Nhộn nhịp làng nghề mộc Chợ Thủ dịp cuối năm

Ngày đăng: 27/12/2018

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT AG)- Còn khoảng hơn tháng nữa là đến tết nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, thời điểm này là vào vụ của làng nghề mộc Chợ Thủ thuộc xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, bà con nơi đây đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ thị trường tết, nào là giường, tủ, bàn ghế các loại với chất liệu chủ yếu bằng gỗ căm xe, thao lao, cẩm, bên… .

Năm nay sản phẩm xuất bán nhiều hơn các năm trước, nếu vào thời điểm này của năm rồi làng nghề chỉ bán ra 15 ngàn sản phẩm thì khoảng 4 tháng trở lại đây số lượng bán ra gấp hai lần với gần 30 ngàn sản phẩm, nhiều nhất là bình gỗ, khuôn lịch chạm hình Phước - Lộc - Thọ, hoa mai với ngụ ý mang lại may mắn và trọn vẹn trong năm mới đã được nhiều người biết đến và đón nhận. 

 Có thể nói năm nay là năm trúng mùa của làng nghề mộc Chợ Thủ, mỗi ngày có hàng trăm sản phẩm xuất ra thị trường theo đơn đặt hàng của thương lái. Người tiêu dùng các tỉnh, thành Đồng Bằng Sông Cửu Long, kể cả Thành Phố Hồ Chí Minh rất ưa chuộng và đánh giá cao sản phẩm mộc của làng nghề Chợ Thủ, bởi đường nét sắc xảo, tinh tế, kiểu dáng sang trọng, hiện đại, giá cả lại phải chăng, từ vài triệu đồng, vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng tùy chất liệu gỗ...

Chúng tôi ghé thăm cơ sở Mộc Tiến Thắng đang lúc chuyển hàng lên xe tải chuẩn bị đi Cà Mau, anh Trần Minh Trí- Chủ cơ sở phấn khởi nói"Năm nay hàng tết hút hơn năm rồi, giá cũng bình thường như các năm trước không lên, đồ gỗ đâu lên nhiều, xuất bán tỉnh nào cũng khen, làng nghề của mình đồ đẹp, chất lượng". Để có đủ hàng giao cho khách, ngoài việc sản xuất tại cơ sở, anh Trí còn đặt hàng thêm từ các cơ sở khác hay các hộ làm nghề mộc nhỏ lẻ trong làng nghề.

Các cơ sở khác cũng thuê thêm nhân công, tăng công suất hoạt động của máy móc, Cơ sở mộc Ba Đoàn với 10 người thợ lành nghề làm việc hết sức khẩn trương do đơn đặt hàng tăng khá nhanh từ đầu tháng 10, dự kiến cao điểm trong tháng 11 đến đầu tháng chạp âm lịch. Để kịp giao hàng cho khách đúng thời gian đã hẹn, mọi người trong cơ sở làm thêm giờ nghỉ trưa và kể cả buổi tối nếu áp lực đơn hàng nhiều. Nhờ cải tiến máy móc, trang bị thêm 7 đến 8 loại máy, máy tiện, máy bắt chỉ... số lượng sản phẩm làm ra nhiều, sắc xảo hơn, chú Trần Minh Đoàn, chủ cơ sở mộc Ba Đoàn khẳng định:

 " Hồi trước nếu trường hợp làm thủ công không giúp cho sản phẩm làm nhanh hơn, thẩm mỹ kém hơn, bây giờ có họa tiết, hoa văn trông đẹp hơn, được ưa chuộng nhiều hơn nhờ cải tiến máy móc”.

Làng nghề mộc ăn nên làm ra thì đời sống của bà con làm nghề cũng được cải thiện và ổn định hơn, thu nhập khá cao từ 200 đến 700.000 đồng/ ngày tùy vào từng công đoạn, nếu làm tăng ca thì thu nhập sẽ cao hơn nữa.

Để vực dậy và thúc đẩy làng nghề mộc Chợ Thủ có từ hàng trăm năm nay phát triển, từ năm 2011 đến nay UBND tỉnh An Giang đã hỗ trợ 50% vốn không hoàn trả, số tiền trên 1 tỷ đồng để các cơ sở đầu tư máy móc hiện đại. Hiện nay làng nghề có trên 1000 hộ làm nghề mộc, với 100 cơ sở lớn nhỏ tập trung dọc theo tỉnh lộ 946, giải quyết hơn 2.000 lao động có việc làm ổn định. Mỗi năm làng nghề làm ra trên 50.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội xã Long Điền A cũng như huyện Chợ Mới nói chung ngày càng phát triển. 

Có thể nói nhờ bắt kịp xu hướng thời đại và hơn hết là lòng yêu nghề, cái tâm và chữ tín của người làm nghề, sản phẩm làm ra ngày càng hoàn thiện, khéo léo từng đường nét, chất lượng gỗ, thời gian giao hàng đúng theo thỏa thuận. Vì thế mà làng nghề mộc Chợ thủ Long Điền A vượt qua những khó khăn về giá cả hay sức ép của nghề mộc từ các nơi khác, khẳng định thương hiệu, đứng vững trên thị trường./.

Ánh Minh - Hồ Toàn

Danh mục