Vẽ tranh kiếng - nghề lưu giữ nét xưa

Vẽ tranh kiếng - nghề lưu giữ nét xưa

Ngày đăng: 15/01/2019

Xem với cở chữ : A- A A+
(CỔNG TTĐT AG)-Trong khoảng thời gian khá dài tranh kiếng nói chung, đặc biệt là tranh kiếng mang thương hiệu Chợ Mới nói riêng được phổ biến rộng rãi không chỉ trong các gia đình khá giả thành thị, cư dân vùng nông thôn trong và ngoài tỉnh An Giang. Đây còn là nghề thủ công truyền thống góp phần đảm bảo kinh tế dân sinh, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa về thẩm mỹ, trang trí nhà cửa, thờ cúng tổ tiên của người dân.

Responsive image

Hiện ở địa bàn Chợ Mới tại các xã Long Điền B, Long Giang, Long Kiến có  30 hộ theo đuổi với nghề vẽ tranh trên kiếng. Vào một buổi sáng, chúng tôi đến thăm cơ sở vẽ tranh trên kiếng Giáo Quang, tại ấp Long Thạnh 2, xã Long Giang hiện có 10 người thợ đủ thành phần, lứa tuổi khác nhau đang tất bật với nhiều công đoạn: tháo kiếng, kéo lụa, đóng khung những bức tranh kiếng nhiều màu sắc, kịp giao hàng cho khách ở các tỉnh: Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng,… vào những ngày cận tết.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, ngụ ấp Long Thạnh 2, xã Long Giang đã theo nghề vẽ tranh kiếng ở cơ sở được 10 năm chia sẻ: “mần ăn sản phẩm, khoảng 10 ngày lãnh lương 1 lần, 1 triệu mấy, đủ xoay sở trong gia đình, chồng mần thêm nuôi 1 đứa con đi học, nghề vẽ tranh trên kiếng chị yêu thích từ lâu với lại gần nhà, dễ chăm sóc mẹ già”.

Hầu hết các bức tranh kiếng có nội dung hơi hướng điển tích lịch sử như: Phật Thích Ca đi tu, Phật Bà Quan Âm,… hay các câu chuyện cổ tích như: Tấm Cám, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ,… Loại tranh treo ở bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, thường thể hiện các đề tài như: Bức tranh hoành phi, liễn đối, chung quanh trang trí viền bằng cây trúc, cây tùng minh họa, tranh viết chữ “Phước - Lộc - Thọ” trên nền đỏ, xung quanh vẽ khung hình dây lá hoặc hồi văn đôi khi có thêm con bướm hay con dơi ngậm trụ chỉ. Tất cả các chữ trên tranh đều được viết bằng chữ Hán. Ngoài ra loại tranh này còn vẽ một bụi mai già bên cạnh có cây trúc, bụi lan, cúc,… tượng trưng cho vẻ đẹp cao khiết, thanh tao. Để phù hợp với xu thế thời đại, thỏa mắt thẩm mỹ của người tiêu dùng nên thời gian qua đã xuất hiện các bức tranh kiếng vẽ phong cảnh quê hương đất nước hoặc những câu đối ý nghĩa báo hiếu, nói về tình bạn, mã đáo thành công hoặc di tích lịch sử, du lịch: Núi Cấm, Đồi Tức Dụp, Chùa Bà Núi Sam,... Qui trình chế tác một bức tranh đòi hỏi người thợ phải tỉ mẫn qua nhiều công đoạn: Cắt kiếng, in lụa, tô màu, gắn sao nháy, phơi bản, vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Điểm đặc biệt của tranh kiếng là người thợ phải vẽ từ phía sau mặt kiếng. Khi vẽ xong tấm kiếng được lật lại, phía không có nét vẽ mới là mặt chính của tranh. Vì thế các chi tiết đáng lẽ vẽ sau cùng, thì ở tranh kiếng phải vẽ trước tiên. Chính điểm này mà nghề vẽ tranh kiếng đòi hỏi ở người thợ vẽ không chỉ có niềm đam mê hội họa, óc sáng tạo mà còn cần tính cẩn thận, sự tỉ mỉ và khéo léo. Giá bán hiện nay tùy theo kích thước, cách phối màu, kiểu dáng, độ dầy của kiếng, mà từng bức tranh dao động từ 500.000 đến nhiều triệu đồng.

Chú Huỳnh Minh Quang, chủ cơ sở Giáo Quang hơn 40 năm gắn bó với nghiệp vẽ tranh trên kiếng, chứng kiến thăng trầm của nghề, sự chuyển động của thị trường, sống trọn đam mê với từng bức tranh kiếng, tâm sự: “Quyết định nhất là người vẽ mẫu, ăn khách hay không là do người vẽ mẫu, quyết định màu sắc bức tranh, từ đó thợ cứ vậy mà làm. Chỗ nào màu xanh, màu đỏ, màu vàng, người thợ đã tính hết. Chẳng hạn vẽ lá cây thì xanh lá, vẽ mây, nước thì màu xanh lam chẳng hạn đã tính, buổi chiều, buổi sáng điểm thêm màu hồng, màu vàng”.

Trước đây người thợ phải mất thời gian 3 ngày để dùng cọ vẽ từng đường nét, điểm phá từng chi tiết của bức tranh, chọn màu phù hợp, chủ yếu là những màu tươi, sáng để bắt mắt, hợp tình và hợp ý người mê tranh kiếng, sau đến những công đoạn trang trí bên ngoài. Nhưng ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tranh kiếng đa phần được sử dụng công nghệ để phun, kéo lụa, màu sắc sinh động, giá thành chỉ bằng 1/3 tranh kiếng truyền thống nên nghệ nhân vẽ tranh dần mai một, óc thẩm mỹ của người tiêu dùng về tranh kiếng cũng ít dần, việc sản xuất tranh phụ thuộc nhiều vào thời tiết (nắng nhiều để phơi tranh), giá thành một bức tranh không đủ để nuôi một người thợ nên hầu như người dân không còn mặn mà với nghề.

Chú Huỳnh Minh Quang nặng lòng: “mấy đứa cháu ở đây có sức khỏe, giờ nào rảnh thì làm, tập 2, 3 ngày là có thể làm được, thợ ở đây cũng không phải chuyên môn kéo lụa nghề, làm việc nhà, giờ rảnh lại làm phụ: có khi làm lát, có khi làm một ngày kiếm tiền, đồ có nhiều làm nhiều, có ít làm ít. Làm theo sản phẩm có đồ làm, không có đồ nghỉ”.

Có thể nói nhu cầu về văn hóa là rất cần thiết, nhưng cách thể hiện và đáp ứng ấy thường thay đổi theo thực tiễn cuộc sống và thị hiếu thẩm mỹ xã hội, thực tế với từng thời điểm mà phù hợp, tranh kiếng cũng không ngoại lệ. Nay nghề thủ công truyền thống này cần lắm sự giúp sức của các ngành, các cấp hỗ trợ về vốn, kỹ thuật tạo tác, những điều kiện trưng bày giới thiệu sản phẩm, phổ biến đến nhiều vùng, miền cả nước, hơn hết từng cơ sở cần có sự cải tiến, đổi mới mẫu mã, có định hướng lưu giữ, bảo tồn “nghề mang nét xưa”  của cha, ông còn mãi theo dòng chảy thời gian./.

Bảo Dinh 

 

Danh mục