Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

An Giang: Nhiều giải pháp trọng tâm cho phát triển sản phẩm OCOP

11/06/2021 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Trương Kiến Thọ cho biết: đến nay An Giang có 49 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm đạt 3 sao) và có 5 sản phẩm đã đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao (cấp Quốc gia) của 35 chủ thể kinh tế (4 Hợp tác xã, 15 Doanh nghiệp, 16 Cơ sở sản xuất). Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu thuộc nhóm ngành: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí.

Responsive image

Trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 3 sao

Đạt được kết quả đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tỉnh An Giang đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. 

Thông qua đó, các địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương; đặc biệt là dịch vụ du lịch, tạo được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Responsive image

 Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tại Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh thành năm 2021

Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, qua thực hiện còn vướng một số khó khăn, tồn tại. Bởi đây là chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, do đó trong quá trình triển khai thực hiện một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, sản phẩm và Chủ thể kinh tế; mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa thật sự quan tâm phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm khởi nghiệp và các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. 

Bên cạnh đó, nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép và từ nội lực của Chủ thể kinh tế; một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển theo chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến… dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai. 

Nhiều Chủ thể kinh tế chưa hiểu rõ về định hướng, yêu cầu, đặc biệt là các quy định của pháp luật trong sản xuất và phân phối sản phẩm, do đó còn nhầm lẫn giữa chất lượng sản phẩm với bao bì, nhãn mác. Một số sản phẩm mang tính đặc thù tại các địa phương (sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đồ ăn nhanh…) chưa có một số quy định cụ thể để đánh giá, phân hạng sản phẩm...

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh: từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu để phát triển sản phẩm OCOP nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án OCOP_AG, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn, góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. 

Mấu chốt để thực hiện hiệu quả là củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức các cấp và hệ thống tư vấn, hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hiện cho cán bộ thực hiện, đặc biệt là năng lực quản lý, hoạt động của các Chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP (gồm các Chủ thể đã có sản phẩm công nhận OCOP và các chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia vào Chương trình OCOP). 

Hoàn thiện và cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thực hiện Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…, để hỗ trợ cho các Chủ thể kinh tế tham gia vào Chương trình OCOP. Tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các Chủ thể kinh tế tiếp cận với nhiều kênh bán hàng để tiêu thụ sản phẩm. 

Phấn đấu đến cuối năm 2021 tỉnh có thêm 8 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh (từ 3 đến 4 sao) và 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng cấp quốc gia (5 sao). Hỗ trợ các Chủ thể kinh tế có các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP phát triển các tiêu chí theo quy định để đánh giá và nâng hạng sao OCOP.

Các huyện, thị xã, thành phố phải có ít nhất 2 chủ thể tham gia Chương trình OCOP trong năm 2021, mỗi Chủ thể có ít nhất 1 sản phẩm tiềm năng (sản phẩm ý tưởng) tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và phấn đấu có ít nhất 80% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 đến 4 sao. 

Responsive image

 Các sản phẩm OCOP của An Giang

Để thực hiện đạt mục tiêu, trên cơ sở kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020 tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: tiếp tục hoàn thiện hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các Chủ thể kinh tế; hướng dẫn triển khai thực hiện, đặc biệt là quy trình đánh giá, hồ sơ sản phẩm, tiêu chí chấm điểm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP. 

Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng 2 đề xuất liên quan đến lĩnh việc nông nghiệp và du lịch, trong đó nội dung liên quan đến tiêu chí nhận dạng sản phẩm OCOP và giải pháp để phát triển, nâng hạng sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP. 

Cùng với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho các sản phẩm OCOP gắn với với tư vấn, hỗ trợ tham gia các chương trình, hội chợ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Từng bước hành thành Trung tâm thiết kế, tư vấn và đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với chương trình khởi nghiệp của các Chủ thể. Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là gắn với bảo tồn và phát huy các sản phẩm làng nghề và làng nghề truyền thống.

Tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh, xác định các sản phẩm thuộc các nhóm ngành theo quy định, đặc biệt là tiềm năng về nguyên liệu, ngành nghề nông thôn, du lịch cộng đồng để có giải pháp hỗ trợ các Chủ thể phát triển sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP trong khu vực; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP và đưa vào nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới./.

Hạnh Châu

 


Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

bd943e26-9693-4762-9208-49c779048f66

An Giang: Nhiều giải pháp trọng tâm cho phát triển sản phẩm OCOP

2021/06/11/nsp.jpg