Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

An Giang thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao

06/05/2024 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 02-5, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của đề án là hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh và kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng thời thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT), tổ chức nông dân (TCND) đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm thực hiện. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo tại tỉnh An Giang đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, về quy mô với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp phấn đấu đạt 44.051 ha (trên cơ sở diện tích vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT trước đây) và nhân rộng ở những vùng thuận lợi.

Đến năm 2030, về quy mô với diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp phấn đấu đạt 152.198 ha.

Để đạt được các mục tiêu, tỉnh An Giang thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ như: Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/3/2018 về khuyến nông; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các quy định khác có liên quan. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Tỉnh như: Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh; một số chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực, khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn tỉnh….

An Giang xác định quy mô vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất ít nhất 02 vụ lúa/năm hoặc có thể sản xuất 2 vụ lúa có xen canh hoặc luân canh rau màu, thủy sản đảm bảo tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo Đề án.

Đồng thời củng cố và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, bảo đảm cung cấp tốt các dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, định hướng và xây dựng cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng và tiểu vùng sinh thái đảm bảo phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản.  Hỗ trợ, hướng dẫn cho các HTX, THT, TCND có đủ năng lực sản xuất lúa giống hoặc liên kết sản xuất lúa giống. Khuyến khích phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất tuần hoàn, tăng tối đa hiệu quả sản xuất và gắn với tăng trưởng xanh.

An Giang cũng phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị di động thông minh giúp quản lý nông nghiệp số: Ứng dụng công nghệ số hoá dữ liệu, chế độ báo cáo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác, xem dự báo, cảnh báo và sử dụng cho việc truy xuất nguồn gốc. 

Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, đến chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch. Cụ thể, sử dụng san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser và các công nghệ phù hợp khác, máy cấy, máy gieo sạ theo cụm kết hợp bón vùi phân, sử dụng cảm biến và điều khiển tự động tưới nước, sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV… Hệ thống logistic, lò sấy, xay sát, chế biến… do doanh nghiệp đầu tư.

Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, thực hành sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đào tạo đội ngũ tư vấn viên thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho các tổ chức/cá nhân có nhu cầu thực hiện chứng nhận nhằm giảm chi phí thuê đơn vị tư vấn…/.

Nguồn: Quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 02/5/2024
Hải Nhu

 


Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

6bdf4b93-4b15-4b0e-8da3-2e1aaeae5a34

An Giang thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao

/wps/wcm/connect/0ee64c7a-4dcb-40b8-858d-6755dcddfc29/image033.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=ROOTWORKSPACE-0ee64c7a-4dcb-40b8-858d-6755dcddfc29-oZd1zSk